Di chúc có cần phải giám định chữ ký?
1. Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Điều 649 Bộ luật Dân sự 2005 quy định hình thức của di chúc: “Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.”
Di chúc bằng văn bản bao gồm:
- Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;
- Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;
- Di chúc bằng văn bản có công chứng;
- Di chúc bằng văn bản có chứng thực.
Di chúc miệng: Trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự:
Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép. Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.
Đối chiếu với các quy định trên thì Di chúc do bố bạn lập không có người làm chứng vẫn có hiệu lực nếu đủ các điều kiện theo quy định Điều 652 Bộ luật dân sự. Thứ nhất, khi lập di chúc, bố bạn có minh mẫn, sáng suốt không? Có bị đe dọa, lừa dối hay bị cưỡng ép không? Thứ hai, về nội dung di chúc, bố bạn định đoạt tài sản của mình cho người con thứ 4, đây là quyền của bố bạn vì Điều 678 Bộ luật Dân sự quy định: Người lập di chúc có các quyền sau đây: Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; Phân định phần di sản cho từng người thừa kế; Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng; Giao nghĩa vụ cho người thừa kế; Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản. Thứ ba, hình thức di chúc do bố bạn lập phải phù hợp quy định của pháp luật.
Di chúc của bố bạn lập là Di chúc bằng văn bản không có công chứng và cũng không có người làm chứng do đó cần phải tuân thủ quy định tại Điều 655 Bộ luật Dân sự: Người lập di chúc phải tự tay viết và ký vào bản di chúc. Việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 653 Bộ luật dân sự về nội dung di chúc:
- Ngày, tháng, năm lập di chúc;
- Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
- Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
- Di sản để lại và nơi có di sản;
- Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ.
Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
2. Việc giám định chữ ký chỉ thực hiện khi có nghi ngờ chữ ký trong văn bản di chúc không phải là chữ ký của bố bạn trên cơ sở có yêu cầu giám định của gia đình bạn.
Do vậy, nếu di chúc của bố bạn hợp pháp theo quy định của pháp luật thì em gái bạn có quyền tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật để trở thành chủ sỡ hữu căn nhà. Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý bạn vấn đề như sau: Ðiều 669 Bộ luật dân sự quy định: Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Ðiều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Ðiều 643 của Bộ luật Dân sự:
- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
- Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.
Như vậy, nếu bố bạn còn cha, mẹ, vợ, có con chưa thành niên, con đã thành niên mà không có khả năng lao động thì những người này có quyền hưởng phần di sản do bố bạn để lại; em gái bạn sẽ không phải là người duy nhất có quyền hưởng di sản thừa kế nữa. Những người có quyền thừa kế sẽ tiến hành các thủ tục để khai nhận và phân chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.
Thư Viện Pháp Luật