Có ra quyết định phân công cho Chấp hành viên tổ chức thi hành quyết định thi hành án không?
Điều 36 Luật Thi hành án dân sự quy định Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành đối với phần bản án, quyết định sau đây:
a) Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí;
b) Trả lại tiền, tài sản cho đương sự;
c) Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu huỷ vật chứng, tài sản;
d) Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước;
đ) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do Toà án chuyển giao hoặc do đương sự giao trực tiếp, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành.
Ngoài các trường hợp quy định nêu trên, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chỉ ra quyết định thi hành án khi có đơn yêu cầu thi hành án. Thời hạn ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu thi hành án.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành quyết định thi hành án đó.
Điều 2 Thông tư số 22/2011/TT-BTP ngày 02/12/2011 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục trong quản lý hành chính về thi hành án dân sự quy định quyết định thi hành án là căn cứ để Chấp hành viên lập hồ sơ thi hành án. Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Chấp hành viên phải lập hồ sơ thi hành án.
Hồ sơ thi hành án phải thể hiện toàn bộ quá trình tổ chức thi hành án của Chấp hành viên đối với việc thi hành án. Chấp hành viên phải ghi chép các công việc và lưu giữ tất cả các tài liệu đã và đang thực hiện vào hồ sơ thi hành án gồm: bản án, quyết định; các biên bản bàn giao, xử lý vật chứng, tài sản đã kê biên, tạm giữ; biên bản xác minh, biên bản giải quyết việc thi hành án (có chữ ký của các đương sự vào tất cả các trang biên bản); giấy báo; giấy triệu tập; giấy mời; các đơn yêu cầu, khiếu nại về thi hành án; các biên lai, phiếu thu, phiếu chi; các tài liệu liên quan đến việc xử lý tài sản để thi hành án; các công văn, giấy tờ của cơ quan thi hành án, các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thi hành án, như: công văn xin ý kiến hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ thi hành án; công văn trao đổi với cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan trong quá trình thi hành án; công văn yêu cầu chuyển tiền, tang vật còn thiếu hoặc chưa chuyển giao cho cơ quan thi hành án và các giấy tờ, tài liệu khác liên quan.
Hiện nay, không có văn bản pháp luật nào quy định việc phân công cho Chấp hành viên tổ chức thi hành quyết định thi hành án bằng quyết định là nhằm hạn chế thủ tục hành chính phiền hà trong hoạt động thi hành án dân sự. Vì thế, Thủ trworng cơ quan thi hành án không phải ra quyết định phân công Chấp hành viên thi hành quyết định thi hành án.
Thư Viện Pháp Luật