Xử lý tài sản liên quan đến vụ án hình sự
Trường hợp anh hỏi là một vụ việc cụ thể, vừa có yếu tố dân sự, vừa có dấu hiệu tội phạm hình sự, trong khi đó vụ việc liên quan đến hành vi có dấu hiệu tội phạm chưa được kết luận cụ thể, rõ ràng, vì thế chúng tôi không khẳng định một cách chính xác các nội dung anh hỏi. Chúng tôi chỉ trao đổi một số vấn đề sau đây để anh tham khảo:
1. Về việc kê biên tài sản để thi hành án dân sự:
Về nguyên tắc, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự chỉ được áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án nếu tài sản đó thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án. Tài sản đó có tranh chấp thì cơ quan thi hành án dân sự chỉ được xử lý khi đã có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định tài sản đó thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án.
2. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì cơ quan tiến hành tố tụng có quyền áp dụng biện pháp xử lý tài sản là tang vật, vật chứng của vụ án, trong đó có việc bán tài sản tươi sống, mau hỏng. Đối với tài sản liên quan đến vụ án nhưng có thể kê biên, tạm giữ và phục cho việc xét xử, thì thông thường cơ quan điều trang áp dụng biện pháp ngăn chặn hoặc biện pháp tư pháp để Toà án quyết định và cơ quan thi hành án dân sự xử lý sau khi có bản án, quyết định của Toà án.
3. Về thứ tự thanh toán tiền thi hành án:
Khoản 3 Điều 47 Luật Thi hành dân sự năm 2008 quy định “số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm đó sau khi trừ các chi phí về thi hành án”.
Thư Viện Pháp Luật