Thỏa thuận thi hành án như vậy có được công nhận không?
Điểm b khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án trong trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án. Việc đồng ý hoãn phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn, có chữ ký của các bên. Trong thời gian hoãn thi hành án do có sự đồng ý của người được thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án.
Như vậy, ông A và ông B thoả thuận hoãn thi hành án thì phải rõ thời hạn hoãn. Do đó thoả thuận đề nghị cơ quan thi hành án hoãn thi hành án “đến khi có kết quả xem xét lại của TANDTC” mà không xác định cụ thể thời hạn hoãn thi hành án là chưa rõ thời hạn nên là trái pháp luật, bởi vì:
- Hiện nay, Bộ luật Tố tụng dân sự không quy định cụ thể thời hạn nào thì “có kết quả xem xét lại của TANDTC” đối với bản án đã có hiệu lực pháp luật, nên không xác định thời hạn này về mặt pháp lý, theo thủ tục giám đốc thẩm hay tái thẩm, hết thời hạn khiếu nại hay hết thời hạn kháng nghị xem xét bản án theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
- Vì không rõ thời hạn hoãn thi hành án nên làm ảnh hưởng đến hoạt động thi hành án (do cơ quan thi hành án dân sự phải theo dõi hồ sơ, dẫn đến án tồn đọng, có thể tốn kém kinh phí). Nếu cơ quan thi hành án dân sự không ra quyết định hoãn thi hành án và Chấp hành viên không tác nghiệp sẽ ảnh hưởng đến thành tích, kết quả hoạt động của cá nhân, đơn vị đó (có thể không đạt danh hiệu thi đua, không được khen thưởng hoặc không hoàn thành nhiệm vụ thì không được thu nhập tăng thêm).
Vì thế, cơ quan thi hành án dân sự cần mời các đương sự đến thống nhất thời hạn hoãn thi hành án cụ thể (ví dụ 01 năm, 02 năm hoặc 3 năm) hoặc đến khi người được thi hành án có yêu cầu tiếp tục thi hành án để Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định hoãn thi hành án theo quy định.
Thư Viện Pháp Luật