Chấp hành viên có được kiêm nhiệm làm thủ quỹ không?
Điều 21 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định những việc Chấp hành viên không được làm:
1. Những việc mà pháp luật quy định công chức không được làm (quy định tại Điều 18, 19 và Điều 20 Luật cán bộ, công chức năm 2008).
2. Tư vấn cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan dẫn đến việc thi hành án trái pháp luật.
3. Can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết vụ việc thi hành án hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm thi hành án.
4. Sử dụng trái phép vật chứng, tiền, tài sản thi hành án.
5. Thực hiện việc thi hành án liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người sau đây:
a) Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi;
b) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Chấp hành viên, của vợ hoặc chồng của Chấp hành viên;
c) Cháu ruột mà Chấp hành viên là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.
6. Sử dụng thẻ Chấp hành viên, trang phục, phù hiệu thi hành án, công cụ hỗ trợ để làm những việc không thuộc nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
7. Sách nhiễu, gây phiền hà cho cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thi hành án.
8. Cố ý thi hành trái nội dung bản án, quyết định; trì hoãn hoặc kéo dài thời gian giải quyết việc thi hành án được giao không có căn cứ pháp luật.
Pháp luật hiện nay không quy định cấm Chấp hành viên kiêm nhiệm thủ quỹ, tuy nhiên do Chấp hành viên là người được Nhà nước giao nhiệm vụ thi hành án, vai trò của Chấp hành viên rất quan trọng trong hoạt động thi hành án, vì vậy cơ quan thi hành án dân sự không nên bố trí Chấp hành viên kiêm nhiệm thủ quỹ thi hành, trừ trường hợp cơ quan thi hành án dân sự thực sự thiếu người làm việc.
Thư Viện Pháp Luật