Sửa chữa bên trong nhà ở có phải xin phép
Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 62 Luật Xây dựng và Điều 19 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ Về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình: Đối với các trường hợp sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình mà không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực và an toàn của công trình thì chủ đầu tư không cần phải có giấy phép xây dựng trúc khi xây dựng công trình.
Trường hợp việc sửa chữa, lắp đặt của anh không làm thay đổi kiến trúc hay kết cấu chịu lực và an toàn của căn hộ thì anh không cần làm thủ tục cấp giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, theo điều 9 Thông tư số 03/2009/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành ngày 26 tháng 03 năm 2009 “Quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP”, trước khi khởi công xây dựng anh phải gửi văn bản thông báo ngày khởi công kèm theo các bản vẽ mặt bằng xây dựng, mặt bằng móng, mặt đứng chính công trình cho UBND quận Hai Bà Trưng và UBND phường Minh Khai biết, để theo dõi và quản lý theo quy định.
Ngược lại, nếu việc sửa chữa, cải tạo công trình làm thay đổi kết cấu chịu lực và sự an toàn của công trình thì trước khi xây dựng, anh cần phải có Giấy phép xây dựng công trình.
Theo quy định tại điều 20 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP và mục 5 Nghị định số 83/2009/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 15 tháng 10 năm 2009 Về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 12/2009/NĐ-CP thì Hồ sơ xin cấp Giấy phép xây dựng công trình và nhà ở đô thị bao gồm:
1. Đơn xin cấp Giấy phép xây dựng theo mẫu tại Phụ lục IV kèm theo Nghị định số 12/2009/NĐ-CP.
2. Bản sao một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
3. Bản vẽ thiết kế thể hiện được vị trí mặt bằng; mặt cắt, các mặt đứng chính; mặt bằng, mặt cắt móng công trình; sơ đồ vị trí hoặc tuyến công trình (đối với công trình theo tuyến); sơ đồ hệ thống và điểm đấu nối kỹ thuật cấp điện, cấp nước, thoát nước mưa, nước thải; ảnh chụp hiện trạng công trình.
Thư Viện Pháp Luật