Khiếu nại về đất đai
Quyền sử dụng đất là một loại tài sản đặc biệt, có giá trị lớn; những tranh chấp về quyền sử dụng đất thường phức tạp và khiếu kiện kéo dài nên việc giải quyết tranh chấp đất đai cần phải được thực hiện theo trình tự và thủ tục nhất định. Căn cứ theo các quy định tại Điều 135, Điều 136 Luật Đất đai, tranh chấp đất đai đối với trường hợp của anh phải được giải quyết theo từng bước sau:
1- Hòa giải tranh chấp đất đai:
Các bên tranh chấp tự bàn bạc, thỏa thuận để giải quyết mâu thuẫn hoặc đề nghị Tổ hòa giải cơ sở tại địa phương tổ chức hòa giải.
Trường hợp các bên không tự hoà giải được thì anh gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để đề nghị tổ chức hòa giải.
2- Giải quyết tranh chấp đất đai theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Tranh chấp đất đai đã được hoà giải tại UBND cấp xã mà một bên hoặc các bên đương sự không nhất trí thì được giải quyết như sau:
- Trường hợp anh có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai thì tranh chấp sẽ do Toà án nhân dân giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Anh phải gửi đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp. Hình thức và nội dung đơn khởi kiện được quy định tại Điều 164 Bộ luật Tố tụng dân sự.
- Trường hợp anh chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai thì theo quy định tại Điều 160, 161 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về “thi hành Luật đất đai”, tranh chấp do UBND cấp huyện giải quyết lần đầu. Trường hợp Chủ tịch cấp huyện giải quyết lần đầu mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết; quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh là quyết định giải quyết cuối cùng.
Thư Viện Pháp Luật