Sai khác trong sổ đỏ, hồ sơ địa chính xã và diện tích thực tế - vô tình hay cố ý làm trái để vụ lợi

Năm 1984 gia đình tôi làm đơn xin cấp đất để làm nhà ở với diện tích thì chính quyền xã đã cấp cho gia đình chúng tôi 250 m2 đất. Vì gia đình làm nông nghiệp nên khi đó ông nội tôi đã đổi phần đất ruộng; đất phần trăm; trồng lúa của ông cho ông Hiển chủ mảnh đất ruộng liền kề với nhà tôi để gia đình tôi tiện bề canh tác hoa màu. Đất chỗ này trồng lúa không có năng suất nên ông Hiển đồng ý đổi ngay. Tất cả thỏa thuận của ông nội tôi và ông Hiển bằng miệng và không có giấy tờ gì, đến bây giờ gia đình tôi và ông Hiển không có tranh chấp hay thay đổi gì về thỏa thuận đổi đất ngày xưa. Gia đình tôi đã đắp đất cải tạo đất ruộng lúa của ông Hiển thành đất trồng hoa màu và tổng diện tích nhà ở và hoa màu là trên 700 m2. Năm 1992 gia đình tôi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và trong sổ đỏ ghi là 200 m2 đất ở thời hạn sử dụng lâu dài và 50 m2 đất trồng cây lâu năm thời hạn sử dụng lâu dài. Trong phần ghi chú của sổ đỏ có ghi thêm là nhà nước giao vườn thừa. Gia đình tôi đã nhiều lần ra ủy ban xã để làm thủ tục biến động đất đai theo Luật Đất đai nhưng không được xã thực hiện. Cuối năm 2011 tình cờ đem sổ đỏ ra xem thì thấy sổ bị mối mọt ăn, lo sợ sổ sẽ tiếp tục bị hư hại nên tôi đem sổ đến ủy ban xã để làm thủ tục cấp đổi. Vì thắc mắc phần ghi chú trong sổ đỏ ;nhà nước giao vườn thừa; tôi mới đề nghị xã cho xem trích lục bản đồ và sổ sách lưu trữ địa chính xã thì phát hiện số thửa trên sổ đỏ và số thửa trên phản đồ khớp nhau nhưng diện tích thì khác nhau. Trong bản đồ và sổ sách địa chính ghi rõ diện tích đất của gia đình tôi là 705 m2 nên có sai khác với diện tích ghi trong sổ đỏ. Sau khi phát hiện ra điều này tôi đã đề nghị văn phòng địa chính xã làm lại sổ đỏ cho gia đình tôi với diện tích ghi trong bản đồ và thực tế đất đai của gia đình tôi từ năm 1984 tới nay không tranh chấp và không hề thay đổi nên theo tôi đó đã đủ điều kiện để tôi làm lại sổ đỏ với diện tích được ghi trong hồ sơ lưu trữ của địa chính xã. Vì tôi cũng muốn làm biến động đất vì diện tích thực tế của gia đình tôi nhiều hơn 705 m2 ghi trong hồ sơ địa chính xã nên tôi đã đề nghị xã giải quyết. Hồ sơ đã nộp lâu rồi nhưng không thấy các cấp chính quyền trả lời xin cho tôi biết tôi có thể làm lại sổ đỏ với diện tích 705 m2 được không? Tôi có thể làm thủ tục biến động đất đai để mở rộng diện tích thêm được không? Hồ sơ thủ tục gồm những gì và trình tự như thế nào, thời gian thực hiện của xã để hoàn tất là bao lâu?

Theo như anh trình bày thì năm 1984, gia đình anh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao 250 m2 đất để làm nhà ở. Đến năm 1992, gia đình được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong đó có xác nhận quyền sử dụng 200 m2 đất ở - thời hạn sử dụng lâu dài và 50 m2 đất trồng cây lâu năm, thời hạn sử dụng là 50 năm. Như vậy có thể thấy, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp Giấy chứng nhận theo quyết định giao đất năm 1984. Do đó, việc cấp Giấy chứng nhận như trên là có căn cứ và phù hợp với quy định của pháp luật.

Về phần đất còn lại chưa được cấp Giấy chứng nhận, vì có nguồn gốc do gia đình tự đổi lấy đất ruộng của hộ liền kề từ năm 1984 nên phần diện tích đất này không được xác nhận quyền sử dụng chung với diện tích đất đã được cấp Giấy chứng nhận. Vì vậy, việc gia đình anh yêu cầu đính chính Giấy chứng nhận theo hiện trạng sử dụng là không phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên phần diện tích ngoài Giấy chứng nhận đã được gia đình sử dụng ổn định từ năm 1984 đến nay, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì có thể được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 4 điều 50 Luật Đất đai: "Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, nay được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất."

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 52 Luật Đất đai, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp gia đình anh là UBND cấp huyện nơi có đất.

Như vậy, gia đình anh có thể liên hệ UBND cấp huyện để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất còn lại.

Theo quy định tại các điều 11, điều 12, điều 14 Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính Phủ về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp gia đình anh được thực hiện như sau:

1. Nơi nộp hồ sơ và trao giấy chứng nhận: Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân xã, thị trấn nơi có đất. Trong thời gian không quá hai mươi (20) ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân xã, thị trấn có trách nhiệm thực hiện các công việc theo quy định tại các Điều 14, 15, 16 và 17 của Nghị định 88/2009/NĐ-CP và chuyển hồ sơ cho Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Ủy ban nhân dân xã, thị trấn khi nhận hồ sơ có trách nhiệm viết giấy biên nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ, trong thời hạn không quá ba (03) ngày làm việc phải kiểm tra hồ sơ và thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ biết nếu cần phải bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

2. Thời gian giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận lần đầu:

Thời gian thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ: Không quá 50 ngày làm việc không kể thời gian công khai kết quả thẩm tra, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính, thời gian trích đo địa chính thửa đất.

3. Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận:

Người đề nghị cấp Giấy chứng nhận nộp 01 bộ hồ sơ gồm có: 

- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận;

- Bản sao các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định của pháp luật (nếu có);

- Bản sao các giấy tờ về nhân thân cá nhân, hộ gia đình người sử dụng đất;

- Các giấy tờ khác pháp luật quy định đối với từng trường hợp.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Sổ đỏ

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào