Quyền thụ lý vụ án hành chính của Tòa án nhân dân
Trước hết, ta xem xét ông B có quyền được khởi kiện vụ án hành chính ra TAND để yêu cầu TAND giải quyết hay không?
- Thời điểm ông B thực hiện việc khởi kiện vụ án hành chính thì Luật Tố tụng hành chính năm 2010 đã có hiệu lực (có hiệu lực vào ngày 01/7/2011) và theo đó các quy định về thời hiệu khởi kiện cũng được xem xét.
- Theo Điều 104 Luật Tố tụng hành chính năm 2010 thì thời hiệu khởi kiện tức là thời hạn mà cá nhân, cơ quan, tổ chức được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Điểm a, khoản 2 Điều 104 quy định thời hiệu trong trường hợp này là 01 năm, kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính. Khi đó, nếu cá nhân không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính này thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính theo quy định tại Điều 103 Luật Tố tụng hành chính năm 2010.
- Tuy nhiên, đối với những vụ án hành chính điển hình liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai thì việc áp dụng thời hiệu khởi kiện lại có một số ngoại lệ, đó là theo hướng dẫn tại Điều 3 Nghị quyết 56/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính và Điều 4 Nghị quyết 01/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết 56/2010/QH12 thì “1. Toà án chỉ thụ lý giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai (nội dung quản lý nhà nước về đất đai được quy định tại khoản 2 Điều 6 của Luật đất đai năm 2003) quy định tại Điều 3 NQ số 56 khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Việc khởi kiện được thực hiện trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày Luật tố tụng hành chính có hiệu lực (ngày 01-7-2011);
b) Người khởi kiện đã thực hiện việc khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ ngày 01-6-2006 đến ngày Luật tố tụng hành chính có hiệu lực (ngày 01-7-2011) mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng họ không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại và họ chưa khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án nhân dân hoặc đã khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án nhân dân, nhưng Toà án đã trả lại đơn khởi kiện hoặc đình chỉ việc giải quyết vụ án hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 41 của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.”
Thứ nhất, căn cứ vào tình huống thì ông B khởi kiện quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp thuộc điểm e khoản 2 Điều 6 Luật Đất đai năm 2003 về quản lý nhà nước về đất đai.
Thứ hai, việc khởi kiện được ông B thực hiện trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực (ngày 01/7/2011), ông khởi kiện ngày 03/11/2011.
Thứ ba, ông B đã thực hiện việc khiếu nại đến Chủ tịch UBND huyện A từ ngày 01/6/2006 đến ngày Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực (ngày 01/7/2011); khiếu nại đã được giải quyết nhưng ông B không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại và họ chưa khởi kiện vụ án hành chính tại TAND.
Do đó, ông B có quyền khởi kiện vụ án hành chính yêu cầu TAND xem xét giải quyết.
Tiếp theo, ta xem xét TAND huyện A có thẩm quyền thụ lý vụ án hành chính hay không?
Căn cứ vào khoản 1 Điều 29 Luật Tố tụng hành chính năm 2010 thì TAND cấp huyện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó. Ông B khởi kiện quyết định hành chính của UBND huyện A nên TAND huyện A được quyền thụ lý giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục sơ thẩm.
Vì vậy, có thể kết luận rằng TAND huyện A ra quyết định thụ lý vụ án hành chính nêu trên là đúng quy định pháp luật.
Thư Viện Pháp Luật