Xử phạt vi phạm hành chính về giao thông
Theo quy định tại Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 04/2/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, việc anh Phong giao xe cho anh là người chưa có giấy phép lái xe điều khiển xe mô tô hai bánh đã vi phạm vào điểm đ khoản 2 Điều 33 và phải bị xử phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng.
Về thủ tục xử phạt, Điều 53 của Nghị định 34 nêu trên quy định như sau:
“1. Thủ tục xử phạt phải tuân theo các quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 128/2008/NĐ-CP. Các mẫu biên bản và quyết định để sử dụng trong việc xử phạt được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Đối với chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ:
a) Trong trường hợp chủ phương tiện vi phạm có mặt tại nơi xảy ra vi phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt hành vi vi phạm hành chính theo các điểm, khoản tương ứng của Điều 33 Nghị định này;
b) Trong trường hợp chủ phương tiện vi phạm không có mặt tại nơi xảy ra vi phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt căn cứ vào hành vi vi phạm để lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ phương tiện và tiến hành xử phạt theo quy định của pháp luật, người điều khiển phương tiện phải ký vào biên bản vi phạm hành chính với tư cách là người chứng kiến và được chấp hành quyết định xử phạt thay cho chủ phương tiện. Trường hợp người điều khiển phương tiện không chấp hành quyết định xử phạt thay cho chủ phương tiện thì người có thẩm quyền xử phạt tiến hành tạm giữ phương tiện để bảo đảm cho việc xử phạt đối với chủ phương tiện”.
Như vậy, nếu anh là người điều khiển xe mô tô mà khi có hành vi vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ trong khi anh Phong không có mặt tại nơi xảy ra vi phạm (kể cả trường hợp không có mặt vì lý do đã chết) thì việc Công an xã ra Quyết định xử phạt đối với anh Phong và anh là người điều khiển phương tiện phải đóng phạt thay đều là đúng quy định của pháp luật.
Thư Viện Pháp Luật