Thủ tục mua xe máy ở hàng cầm đồ
1. Liên quan đến vấn đề mua xe của bạn, trước hết chúng tôi đưa ra một số quy định về cầm cố tài sản như sau: Việc cầm cố tài sản tại cửa hàng cầm đồ được thực hiện theo quy định tại các điều từ Ðiều 326 đến Ðiều 340 của Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật khác về hoạt động của cửa hàng cầm đồ.
Cầm cố tài sản là việc một bên (bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Việc cầm cố tài sản phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính.
Quyền và nghĩa vụ của bên nhận cầm cố (cửa hàng cầm đồ) được quy định như sau:
* Nghĩa vụ (Điều 332 Bộ luật Dân sự):
- Bảo quản, giữ gìn tài sản cầm cố; nếu làm mất hoặc hư hỏng tài sản cầm cố thì phải bồi thường thiệt hại cho bên cầm cố;
- Không được bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho mượn tài sản cầm cố; không được đem tài sản cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác;
- Không được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu không được bên cầm cố đồng ý;
- Trả lại tài sản cầm cố khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.
* Quyền (Điều 333 Bộ luật Dân sự):
- Yêu cầu người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật tài sản cầm cố trả lại tài sản đó;
- Yêu cầu xử lý tài sản cầm cố theo phương thức đã thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ;
- Ðược khai thác công dụng tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu có thỏa thuận;
- Ðược thanh toán chi phí hợp lý bảo quản tài sản cầm cố khi trả lại tài sản cho bên cầm cố.
Trong số các quyền trên có quyền xử lý tài sản cầm cố, cụ thể như sau: Trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện nghĩa vụ không đúng thỏa thuận thì tài sản cầm cố được xử lý theo phương thức do các bên đã thỏa thuận hoặc được bán đấu giá theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ. Bên nhận cầm cố được ưu tiên thanh toán từ số tiền bán tài sản cầm cố.
Từ những quy định trên, khi mua xe ở hàng cầm đồ, bạn cần chú ý mấy điểm sau:
- Việc cầm cố có được lập thành văn bản không?
- Nghĩa vụ được bảo đảm bằng tài sản cầm cố đã đến hạn thực hiện chưa? Cửa hàng cầm đồ có được quyền xử lý tài sản cầm cố không?
- Bên cầm cố và bên nhận cầm cố có thỏa thuận về biện pháp xử lý tài sản cầm cố không?
2. Trong trường hợp cửa hàng cầm đồ có quyền xử lý tài sản thì bạn có thể mua chiếc xe thông qua các hình thức và thủ tục như sau:
a. Mua thông qua bán đấu giá tài sản: Thủ tục này được cửa hàng cầm đồ thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản và bạn có thể tham gia đấu giá để mua. Tuy nhiên, trên thực tế thì hầu hết các trường hợp xử lý tài sản cầm cố thông qua cửa hàng cầm đồ đều không lựa chọn phương thức này.
b. Mua từ chính chủ sở hữu chiếc xe.
Có thể cửa hàng cầm đồ và chủ sở hữu chiếc xe (bên cầm cố) đã thỏa thuận về phương thức xử lý này: chủ sở hữu xe sẽ làm thủ tục mua bán xe với người khác, sau đó số tiền bán xe sẽ được dùng để thực hiện nghĩa vụ với cửa hàng cầm đồ.
Như vậy thì thủ tục mua bán xe của bạn sẽ đơn giản hơn, cụ thể như sau:
- Cơ quan thực hiện: Bạn có thể đến bất kỳ tổ chức công chứng (Văn phòng công chứng hoặc Phòng công chứng) nào để yêu cầu công chứng hợp đồng mua bán, tặng cho xe.
- Hồ sơ: theo Điều 35 Luật Công chứng.
+ Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch theo mẫu;
+ Dự thảo hợp đồng mua bán xe (nếu có);
+ Giấy tờ tuỳ thân: chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của các bên;
+ Giấy đăng ký xe máy;
+ Giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.
- Thủ tục: Hai bên có thể dự thảo sẵn hợp đồng mua bán xe hoặc yêu cầu tổ chức công chứng soạn thảo theo mẫu. Sau khi hai bên đọc, đồng ý nội dung và ký vào hợp đồng thì công chứng viên sẽ chứng nhận vào hợp đồng đó.
c. Làm thủ tục mua bán xe với hiệu cầm đồ.
Trường hợp cửa hàng cầm đồ và bên cầm cố có thỏa thuận về việc cửa hàng cầm đồ sẽ nhận chính tài sản đó hoặc thay mặt bên chủ sở hữu xe làm thủ tục mua bán xe. Thủ tục mua bán xe giữa bạn và cửa hàng cầm đồ cũng giống như phần trên nhưng về phần hồ sơ thì bạn cần phải yêu cầu hiệu cầm đồ cung cấp những giấy tờ sau:
- Hợp đồng cầm cố;
- Giấy tờ thể hiện việc cửa hàng cầm đồ được quyền xử lý tài sản cầm cố (bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ cầm cố khi đến hạn hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ ...).
- Giấy tờ thể hiện nội dung cửa hàng cầm đồ được thay mặt bên cầm cố bán tài sản cầm cố.
3. Đăng ký sang tên bạn
Sau khi đã làm thủ tục mua bán chiếc xe thì bạn đến cơ quan công an để làm thủ tục sang tên xe máy.
a. Làm thủ tục di chuyển xe sang tỉnh khác (Nếu bạn đăng ký xe tỉnh khác thì thực hiện. Nếu bạn đăng ký xe cùng tỉnh thì bỏ qua thủ tục này).
- Cơ quan thực hiện: Cơ quan Công an nơi trước đây bên chủ xe đã đăng ký xe máy (có ghi trên đăng ký xe).
- Hồ sơ: Theo Điều 10 Thông tư số 36/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010 của Bộ công an quy định về đăng ký xe, cần xuất trình những giấy tờ sau:
+ Giấy tờ của chủ xe: Giấy chứng minh nhân dân.
+ Giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe.
+ Hai giấy khai sang tên di chuyển.
+ Chứng từ chuyển nhượng xe: Hợp đồng bán xe.
- Thủ tục: Theo thông tư số 37/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010 của Bộ Công an về quy trình đăng ký xe. Khi bạn nộp hồ sơ đầy đủ thì cán bộ thực hiện sẽ:
+ Kiểm tra hồ sơ; Thu hồi biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe.
+ Sau khi làm các thủ tục cần thiết thì cán bộ thực hiện sẽ trả phiếu sang tên, di chuyển, giấy khai sang tên di chuyển kèm theo hồ sơ gốc cho chủ xe và cấp giấy chứng nhận đăng ký xe tạm thời.
b. Đăng ký sang tên bạn trên đăng ký xe.
- Cơ quan thực hiện: Công an quận, huyện thuộc tỉnh nơi bạn đăng ký.
- Hồ sơ: Theo Điều 9 Thông tư số 36/2010/TT-BCA
+ Giấy tờ của chủ xe (theo Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 36/2010/TT-BCA): Giấy chứng minh nhân dân của bạn hoặcthẻ học viên, sinh viên học theo hệ tập trung từ 2 năm trở lên của các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, học viện; giấy giới thiệu của nhà trường.
+ Giấy khai đăng ký xe.
+ Chứng từ lệ phí trước bạ xe: Biên lai hoặc giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước bằng tiền mặt hoặc séc qua kho bạc nhà nước (có xác nhận của kho bạc nhà nước đã nhận tiền) hoặc giấy ủy nhiệm chi qua ngân hàng nộp lệ phí trước bạ theo quy định của Bộ Tài chính. Xe được miễn lệ phí trước bạ, chỉ cần tờ khai lệ phí trước bạ có xác nhận của cơ quan thuế (thay cho Biên lai hoặc giấy nộp lệ phí trước bạ).
+ Giấy khai sang tên và phiếu sang tên di chuyển kèm theo chứng từ chuyển nhượng (Hợp đồng bán xe hoặc Giấy bán xe) và hồ sơ gốc của xe theo quy định.
- Thủ tục: Theo thông tư số 37/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010, khi bạn nộp hồ sơ thì cán bộ thực hiện sẽ tiến hành các bước sau:
+ Kiểm tra giấy tờ của chủ xe, kiểm tra thực tế xe (đối chiếu nội dung trong Giấy khai đăng ký xe với thực tế của xe về nhãn hiệu, loại xe, số máy, số khung, màu sơn, số chỗ ngồi, tải trọng và các thông số kỹ thuật khác của xe);
+ Kiểm tra hồ sơ đăng ký xe và cấp biển số xe
+ Sau khi nộp lệ phí đăng ký xe thì bạn sẽ được cấp biển số xe theo Giấy hẹn.
Thư Viện Pháp Luật