Vấn đề thừa kế, sở hữu tài sản là nhà đất đối với người Việt Nam mang quốc tịch nước ngoài
Câu hỏi của bạn tương đối phức tạp và thông tin nêu ra còn chung chung, chúng tôi xin được trả lời như sau:
Do bạn không nêu rõ hiện nay bạn đang mang quốc tịch của nước nào và còn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam hay đã thôi quốc tịch Việt Nam? Nước mà hiện nay bạn mang quốc tịch có cho phép bạn được quyền mang 2 quốc tịch hay không? Hộ chiếu Việt Nam của bạn còn giá trị trong thời hạn bao lâu? Và giữa Việt Nam và nước đó có hiệp định song phương quy định về vấy đề này không nên chúng tôi xin được chia trường hợp và trả lời bạn như sau:
- Trường hợp 1: Bạn còn giữ quốc tịch Việt Nam thì bạn được quyền thừa kế toàn bộ khối tài sản nêu trên và có quyền sử dụng đất và nhà ở khi bạn hồi hương.
- Trường hợp 2: Bạn không còn giữ quốc tịch Việt Nam và giữa Việt Nam và nước đó không có hiệp định song phương quy định về vấy đề sở hữu bất động sản. Bạn có thể nằm trong 1 trong 2 đối tượng sau:
+ Nếu bạn là đối tượng được quyền sở hữu nhà tại Việt Nam, tức là bạn thỏa mãn điều kiện sau:
Điều 1, Luật số 34/2009/QH12 ngày 18/06/2009 của Quốc hội ban hành về sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai quy định người Việt Nam định cư nước ngoài (“Việt kiều”) nếu được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên, thì có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Các đối tượng này gồm:
- Người có quốc tịch Việt Nam;
- Người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hoá, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.
Để chứng minh đối tượng, điều kiện cư trú tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định tại Điều 66 và Điều 67 Nghị định 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, bạn cần chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu sau đây
- Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài thì phải có Thẻ tạm trú hoặc có dấu chứng nhận tạm trú đóng vào hộ chiếu với thời hạn được tạm trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên và giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam.
+ Nếu bạn không thuộc diện được sở hữu nhà đất ở Việt Nam
Theo quy định của pháp luật, người mang quốc tịch nước ngoài cũng được hưởng di sản thừa kế là bất động sản ở Việt Nam. Sự khác biệt giữa công dân Việt Nam và công dân nước ngoài trong việc hưởng di sản thừa kế (là bất động sản) chỉ thể hiện ở việc đứng tên chủ sở hữu. Công dân Việt Nam được đứng tên chủ sở hữu bất động sản mà họ được thừa kế. Còn người nước ngoài chỉ được hưởng giá trị của khối tài sản được thừa kế chứ không được đứng tên chủ sở hữu (nếu họ không thuộc các đối tượng được sở hữu nhà ở Việt Nam theo quy định của pháp luật).
Như vậy, bạn có quyền được hưởng di sản thừa kế của cha mẹ để lại. nhưng không được đứng tên mà chỉ được hưởng giá trị của khối tài sản được thừa kế.
- Trường hợp 3: Nếu giữa Việt Nam và nước bạn đang mang quốc tịch có hiệp định tương trợ tư pháp thì tuân theo quy định của hiệp định tương trợ tư pháp đó.
Ví dụ:, nếu bạn mang quốc tịch Nga, thì theo Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự được ký kết giữa Việt Nam và Nga (25/8/1998) có quy định nguyên tắc: “Việc phân biệt động sản và bất động sản được xác định theo pháp luật của nước ký kết nơi có tài sản.” và bạn có quyền hưởng tài sản thừa kế, còn việc có được đứng tên chủ sở hữu hay chỉ được hưởng giá trị tài sản thừa kế phụ thuộc vào trường hợp bạn có thuộc các trường hợp quy định tại Điều 1, Luật số 34/2009/QH12 ngày 18/06/2009 của Quốc hội ban hành về sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai quy định người Việt Nam định cư nước ngoài nêu trên hay không.
Thư Viện Pháp Luật