Hỏi đáp quyền định đoạt đất đai
Thứ nhất: Về việc đăng ký biến động về quyền sử dụng đất:
Căn cứ điểm c khoản 3 Điều 38 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai thì trường hợp có thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích thửa đất thì người sử dụng đất phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 18 Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ “quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai” thì việc cấp Giấy chứng nhận trong trường hợp có sự chênh lệch giữa số liệu diện tích đo đạc thực tế với số liệu diện tích đã ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất được thực hiện như sau:
“a) Trường hợp ranh giới thửa đất hiện nay không thay đổi so với thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề mà diện tích đo đạc thực tế khi cấp Giấy chứng nhận nhiều hơn diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất thì Giấy chứng nhận được cấp theo diện tích đo đạc thực tế; người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích nhiều hơn so với diện tích đất ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất;
b) Trường hợp ranh giới thửa đất hiện nay có thay đổi so với thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà diện tích đất đo đạc thực tế nhiều hơn diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận diện tích nhiều hơn là do khai hoang hoặc nhận chuyển quyền của người sử dụng đất trước đó, đất đã được sử dụng ổn định và không có tranh chấp thì Giấy chứng nhận được cấp cho toàn bộ diện tích đo đạc thực tế của thửa đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với phần diện tích chênh lệch theo quy định của pháp luật về đất đai;
c) Trường hợp ranh giới thửa đất hiện nay có thay đổi so với thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà diện tích đất đo đạc thực tế nhiều hơn diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận diện tích nhiều hơn là do lấn, chiếm thì xử lý theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 14 hoặc khoản 2 Điều 15 Nghị định này.”
Thứ hai: Về quyền sử dụng đất của bố mẹ anh chị:
Trước khi kết hôn, bố anh chị đã được bà tặng cho quyền sử dụng đất, do đó theo quy định tại điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì đây là tài sản riêng của bố anh chị. Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình cũng quy định “Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thoả thuận.” Như vậy, quyền sử dụng đất này chỉ trở thành tài sản chung nếu bố mẹ anh chị có thỏa thuận. Và theo quy định chung của pháp đất đai thì việc thỏa thuận này phải được lập thành văn bản, có chữ ký của hai bên và được cơ quan công chứng xác nhận.
Trường hợp không có thỏa thuận phù hợp với quy định pháp luật thì quyền sử dụng đất này là tài sản riêng của bố anh chị. Về nguyên tắc chung, chủ sở hữu có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản riêng của mình, không ai có quyền ngăn cản, hạn chế quyền sở hữu đó.
Tuy nhiên, đối với trường hợp tài sản riêng của vợ hoặc chồng là nguồn thu duy nhất của gia đình, pháp luật cũng có quy định riêng nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của các thành viên khác trong gia đình. Cụ thể, khoản 5 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình có quy định: “Trong trường hợp tài sản riêng của vợ hoặc chồng đã được đưa vào sử dụng chung mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản riêng đó phải được sự thoả thuận của cả vợ chồng.”
Như vậy, nếu quyền sử dụng đất của bố anh chị hiện đang là tài sản được đưa vào sử dụng chung mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản riêng đó phải được sự đồng ý của cả mẹ anh chị.
Thư Viện Pháp Luật