Quyền tự định đoạt của đương sự trong việc khởi kiện
Đương sự có quyền tự quyết định việc khởi kiện hay không khởi kiện, phản tố hay không phản tố, đưa ra yêu cầu độc lập hay không. Điều 161 BLTTDS có quy định: “Cá nhân, cơ quan tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án dân sự (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”
Đối với cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ của cá nhân đó. Đồng thời, ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ.
Đối với cá nhân là người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi không mất năng lực hành vi dân sự, không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình, thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án về tranh chấp có liên quan đến hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự đó. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ của cá nhân đó. Đồng thời, ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ.
Đối với cá nhân là người chưa thành niên (trừ trường hợp trên), người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, thì người đại diện hợp pháp của họ (đại diện theo pháp luật) có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó. Đồng thời, ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp đó phải ký tên hoặc điểm chỉ.
Như vậy, nếu đủ năng lực hành vi TTDS, đương sự có thể tự mình khởi kiện. Trường hợp không đủ năng lực hành vi tố tụng thì người đại diện theo pháp luật của đương sự sẽ định đoạt (khởi kiện) thay đương sự. Từ đó có thể thấy, dù đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự trực tiếp hay nhờ người khác làm hộ đơn thì ý chí của họ cũng vẫn được thể hiện trong đơn kiện.
Bên cạnh quyền khởi kiện của cá nhân, các cơ quan tổ chức theo điều 162 BLTTDS cũng có quyền khởi kiện. Đó là “Cơ quan dân số, gia đình và trẻ em, hội liên hiệp phụ nữ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình trong trường hợp Luật hôn nhân và gia đình quy định
Công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động do phápluật quy định
Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách
Khi tiến hành khởi kiện, đương sự có toàn quyền quyết định trong việc khởi kiện ai và khởi kiện về những nội dung gì. Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra là nếu đương sự khởi kiện không đúng (chẳng hạn như nhầm về đối tượng khởi kiện hay về quan hệ pháp luật tranh chấp…) Tòa án có nên can thiệp để sửa đổi hay không. Ở đây cần nhận là quyền tự định đoạt là quyền tối cao của chính bản thân đương sự nên trong trường hợp đó Tòa án chỉ có thể hướng dẫn cho đương sự xác định lại đối tượng và nội dung khởi kiện. Còn việc đương sự có nghe theo Tòa án hay vẫn giữ quan điểm của mình vẫn lầ quyền của chính đương sự.
Nếu như nguyên đơn có quyền quyết định việc khởi kiện và nội dung khởi kiện đối với bị đơn thì bị đơn cũng có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn. Trong TTDS, phản tố được hiểu là việc bị đơn khởi kiện ngược lại nguyên đơn về một quan hệ pháp luật khác với quan hệ pháp luật mà nguyên đơn đã khởi kiện. BLTTDS năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011 đã dành một số điều luật quy định cụ thể về quyền phản tố của bị đơn. Cụ thể khoản 4 điều 60 BLTTDS quy định: bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn.
Trong TTDS, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tham gia tố tụng vào vụ án dân sự đã phát sinh giữa nguyên đơn và bị đơn để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình nên cũng có quyền đưa ra yêu cầu của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác. Theo quy định tại Điều 177 BLTTDS thì trong trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc với bên bị đơn thì họ có quyền yêu cầu độc lập khi có các điều kiện sau đây: Việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ; yêu cầu độc lập của họ có liên quan đến vụ án đang được giải quyết và yêu cầu độc lập của họ được giải quyết trong cùng một vụ án làm cho việc giải quyết được nhanh hơn.
Như vậy, thực hiện quyền khởi kiện chính là một trong những biểu hiện của nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự trong TTDS. Các đương sự được quyền tự định đoạt trong việc khởi kiện vụ án dân sự, nộp đơn yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hay của người khác, có quyền phản tố hay không phản tố, có quyền đưa ra yêu cầu độc lập hay không đưa ra yêu cầu. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ án khi có đơn khởi kiện của các chủ thể.
Thư Viện Pháp Luật