Hiệu lực của văn bản hướng dẫn thi hành luật
Theo Điều 81 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 thì một văn bản quy phạm pháp luật chỉ hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau đây:
- Hết thời hạn có hiệu lực đã được quy định trong văn bản;
- Được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó;
- Bị hủy bỏ hoặc bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
Mà chưa quy định về vấn đề hiệu lực thi hành của các văn bản hướng dẫn thi hành văn bản luật khi văn bản luật hết hiệu lực pháp luật (có thể là luật hoặc pháp lệnh)
Như vậy, dưới góc độ pháp lý chúng ta có cơ sở để khẳng định văn bản hướng dẫn thi hành một văn bản khác đã hết hiệu lực vẫn có hiệu lực pháp luật nếu nó không rơi vào một trong các trường hợp hết hiệu lực được nêu tại Điều 81 nói trên và chúng ta không thể tự suy diễn khi một văn bản quy phạm pháp luật (thí dụ là văn bản Luật) hết hiệu lực thi hành thì những văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành văn bản đó (các Nghị định, Thông tư) cũng hết hiệu lực thi hành, nếu chưa thỏa mãn 1 trong 3 điều kiện nêu trên.
Tuy nhiên, trong khi chờ hệ thống các văn bản bản quy phạm pháp luật mới (Nghị định, Thông tư) hướng dẫn thi hành Luật, pháp lệnh mới và bãi bỏ văn bản Nghị định, Thông tư cũ, quá trình vận dụng những văn bản quy phạm pháp luật Nghị định, Thông tư cũ cần rà soát và đảm bảo nội dung áp dụng không trái với văn bản quy pháp luật Luật mới ban hành.
Thư Viện Pháp Luật