Thi hành án dân sự sau khi ly hôn
Nội dung bạn nêu nhiều vấn đề, vì vậy chúng tôi trả lời theo từng ý hỏi của bạn để bạn tham khảo như sau:
1. Thời gian tự nguyện thi hành bản án của ông Tuấn như vậy có phải là đã quá chậm trễ hay không? Đến thời điểm này có thể thực hiện cưỡng chế thi hành án chưa?
Căn cứ Điều 9, Điều 45 Luật Thi hành án dân sự thì Nhà nước khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án. Người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật này. Thời hạn tự nguyện thi hành án là 15 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, huỷ hoại tài sản hoặc trốn tránh việc thi hành án thì Chấp hành viên có quyền áp dụng ngay các biện pháp quy định tại Chương IV của Luật này.
Như vậy, ông Tuấn không tự nguyện thi hành án thì đến thời điểm này đã đủ điều kiện về thời hạn tự nguyện để áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án.
2. Việc ông Tuấn vay ngân hàng trừ lương hàng tháng có ảnh hưởng đến việc cấp dưỡng nuôi con hàng tháng hay không?
Ông Tuấn vay tiền ngân hàng không thế chấp bằng lương và không có bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật buộc ông Tuấn trả tiền cho ngân hàng thì không ảnh hưởng đến việc cưỡng chế thi hành án trừ vào thu nhập của người phải thi hành án để thi hành án cấp dưỡng theo bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Điều 78 Luật Thi hành án dân sự quy định việc trừ vào thu nhập của người phải thi hành án được thực hiện trong trường hợp theo thỏa thuận của đương sự; bản án, quyết định ấn định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án; thi hành án cấp dưỡng, thi hành án theo định kỳ, khoản tiền phải thi hành án không lớn hoặc tài sản khác của người phải thi hành án không đủ để thi hành án.
Chấp hành viên ra quyết định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án. Mức cao nhất được trừ vào tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động là 30% tổng số tiền được nhận hàng tháng, trừ trường hợp đương sự có thoả thuận khác. Đối với thu nhập khác thì mức khấu trừ căn cứ vào thu nhập thực tế của người phải thi hành án, nhưng phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu của người đó và người được nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động, Bảo hiểm xã hội nơi người phải thi hành án nhận tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp và các thu nhập hợp pháp khác có trách nhiệm thực hiện.
3. Việc ông Tuấn vay ngân hàng thế chấp sổ đỏ có ảnh hưởng gì đến việc kê biên nhà ở không? Toàn bộ chi phí cưỡng chế thi hành án là do ai phải nộp? Trường hợp bạn không có đủ số tiền nộp trước khi cưỡng chế thì bạn có thể nộp sau khi cưỡng chế được không?
- Việc thế chấp tài sản này nếu thực hiện trước khi có bản án, thì cơ quan thi hành án dân sự chỉ kê biên tài sản đó khi có điều kiện quy định tại Điều 90 Luật Thi hành án dân sự, cụ thể là: Trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án. Khi kê biên tài sản đang thế chấp, Chấp hành viên phải thông báo ngay cho người nhận nhận thế chấp; khi xử lý tài sản kê biên, người nhận nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán theo quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật này.
- Trường hợp việc thế chấp sau khi có bản án giữa bạn và ông Tuấn, thì đó hành việc thế chấp không đúng pháp luật nếu anh Tuấn không dùng tiền vay để thi hành án cho bạn. Vì thế, Chấp hành viên có quyền cưỡng chế căn nhà để thi hành án căn cứ Điều 6 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự.
Chi phí cưỡng chế thi hành án do người phải thi hành án (ông Tuấn) chịu toàn bộ theo quy định tại khoản 1 Điều 73 Luật Thi hành án dân sự, Điều 31 và 32 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự và Thông tư liên tịch số 184/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 19/12/2011 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp “hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính về kinh phí cưỡng chế thi hành án dân sự”.
Do đó, bạn không phải nộp chi phí cưỡng chế thi hành án.
4. Số tiền chậm thi hành án sẽ được tính theo lãi suất ngân hàng theo quyết định sơ thẩm của TAND huyện Đăk Pơ nhưng nếu ông Tuấn không đủ điều kiện trả thì sẽ được giải quyết như thế nào?
Theo quy định tại khoản 1 mục III Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản, thì để bảo đảm quyền lợi cho bên được thi hành án, hạn chế việc bên phải thi hành án cố tình dây dưa, không tự nguyện thi hành án, cùng với việc quyết định khoản tiền mà bên có nghĩa vụ về tài sản phải thanh toán cho bên được thi hành án, khoản tiền phải nộp để đưa vào ngân sách Nhà nước (tiền tịch thu, tiền truy thu thuế, tiền truy thu do thu lợi bất chính, tiền phạt), toà án phải quyết định rõ trong bản án hoặc quyết định là kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án... Khi tính lãi chỉ tính lãi số tiền còn phải thi hành án, mà không tính lãi của số tiền lãi chưa trả trong quá trình thi hành án.
Đối chiếu với quy định này thì lãi chậm thi hành án của số tiền ông Tuấn phải trả bạn tính từ ngày bạn có đơn yêu cầu thi hành án đến ngày người phải thi hành án trả hết cho bạn. Mức lãi suất chậm thi hành án tính theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố theo quy định tại khoản 2 Điều 305 Bộ luật Dân sự năm 2005.
Thư Viện Pháp Luật