Có nên vay hộ công ty trong trường hợp công ty đứng ra bảo lãnh?
Thứ nhất, tôi xin được trả lời câu hỏi bạn nêu: Nếu công ty có thể đứng ra bảo lãnh và chịu trách nhiệm trả nợ thì tại sao phải nhờ đến nhân viên đi vay như vậy? Theo tôi được biết thì những người được nhờ đều là người có nhà cửa ổn định và mức lương cao.
Để giúp bạn hiểu rõ vấn đề, đầu tiên, chúng ta sẽ nói về việc bảo lãnh theo quy định pháp luật và bản chất của việc bảo lãnh.
Theo quy định tại Điều 631 Bộ luật Dân sự 2005 về bảo lãnh thì:
Bảo lãnh là việc người thứ ba (say đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thoả thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.
Trong trường hợp bạn hỏi, bên bảo lãnh là công ty của ba bạn, bên được bảo lãnh là ba bạn và bên nhận bảo lãnh là ngân hàng nơi ba bạn vay.
Và Điều 367 quy định về Quyền yêu cầu của bên bảo lãnh như sau:
Khi bên bảo lãnh đã hoàn thành nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi bảo lãnh, nếu không có thoả thuận khác.
Như vậy, ta có thể thấy bản chất của bảo lãnh là việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản của một bên thứ ba thay vì bằng tài sản của bên có nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ chính như đối với các biện pháp bảo đảm đối vật. Như vậy, trong một quan hệ nghĩa vụ mà nghĩa vụ được bảo đảm bằng biện pháp bảo lãnh, bên có quyền có hai chủ thể để có thể thực hiện quyền yêu cầu của mình, đó là bên có nghĩa vụ (bên được bảo lãnh) và bên bảo lãnh.
Trong thực tế, nghĩa vụ được bảo lãnh luôn là nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ, hay nói cách khác, vị thế của người bảo lãnh dưới mắt chủ nợ luôn trong tư thế là một “con nợ” dự phòng. Điều này có nghĩa, chỉ khi nào bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên nhận bảo lãnh mới có quyền yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thay. Điều này được thể hiện rõ trong quy định tại Điều 361 Bộ luật Dân sự.
Vậy, về câu hỏi của bạn chúng tôi có thể trả lời như sau: Việc bảo lãnh của công ty và việc vay tải sản của ba bạn giúp công ty là hai việc có bản chất khác nhau. Khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ trả nợ với ngân hàng, ba bạn sẽ phải là người trực tiếp thực hiện nghĩa vụ thanh toán đó, chỉ trong trường hợp ba bạn không có khả năng trả nợ (không còn tài sản gì) thì công ty mới phải chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ với ngân hàng. Sau khi công ty thực hiện nghĩa vụ với ngân hàng thì ba bạn sẽ phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán lại cho công ty (Điều 367 Bộ luật Dân sự đã trích dẫn ở trên). Chính vì vậy mà công ty nhờ những người có nhà cửa ổn định và thu nhập cao đứng ra vay vì đây là những người (bên được bảo lãnh) có khả năng trả nợ mà không cần công ty (bên bảo lãnh) phải đứng ra thực hiện nghĩa vụ thay khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ trả nợ với ngân hàng.
Thứ hai, về câu hỏi “Gia đình tôi lo sợ nếu công ty bị phá sản, vỡ nợ thì ba tôi có bị tịch biên tài sản hay phải ở tù không?” của bạn, tôi xin được trả lời như sau:
Liên quan đến việc bên bảo lãnh (công ty của ba bạn) lâm vào tình trạng phá sản, Luật Phá sản năm 2004 quy định hai trường hợp cụ thể như sau:
- Trường hợp người bảo lãnh lâm vào tình trạng phá sản thì người được bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản đối với bên nhận bảo lãnh (Khoản 2, Điều 39).
Nhằm bảo đảm cho bên nhận bảo lãnh (ngân hàng) khả năng thu hồi nợ, Khoản 2, Điều 39 của Luật Phá sản năm 2004 đã “quy” trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuộc về bên được bảo lãnh (ba bạn) khi bên bảo lãnh (công ty của ba bạn) bị phá sản. Quy định này của Luật Phá sản được hướng dẫn cụ thể bằng Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm. Nghị định 163 chia các vấn đề được nêu trong Khoản 2, Điều 39 của Luật Phá sản năm 2004 thành hai trường hợp cụ thể:
Thứ nhất, nếu nghĩa vụ bảo lãnh chưa phát sinh (tức chưa đến hạn ba bạn phải trả nợ cho ngân hàng), bên được bảo lãnh (ba bạn) phải thay thế biện pháp bảo đảm khác, trừ trường hợp có thoả thuận khác (điểm b, khoản 1, Điều 48). Điều này có nghĩa là trong trường hợp công ty của ba bạn phá sản trước thời hạn mà ba bạn phải trả nợ cho ngân hàng thì ba bạn phải đưa ra biện pháp bảo đảm khác (ví dụ cầm cố giấy tờ nhà đất của gia đình bạn) với ngân hàng (nếu giữa ba bạn và công ty với ngân hàng không có thoả thuận nào khác).
Thứ hai, nếu nghĩa vụ bảo lãnh phát sinh, bên bảo lãnh (công ty của ba bạn) phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Trường hợp bên bảo lãnh không thanh toán đầy đủ trong phạm vi bảo lãnh thì bên nhận bảo lãnh (ngân hàng) có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh (ba bạn) thanh toán phần còn thiếu (điểm a, khoản 1, Điều 48). Trong trường hợp thứ hai, nếu bên bảo lãnh không thanh toán đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh sẽ tiếp tục yêu cầu bên được bảo lãnh thanh toán phần còn thiếu, dĩ nhiên là với tư cách là một món nợ không có bảo đảm.
Điều đó có nghĩa là khi đến hạn trả nợ cho ngân hàng, công ty của ba bạn phá sản thì trong khả năng thanh toán nợ của công ty, công ty vẫn phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng (nhưng sau đó có quyền yêu cầu ba bạn thanh toán lại cho công ty, (Điều 367 nên trên), tức là ba bạn vẫn phải là người trả toàn bộ số nợ dù theo phương thức nào). Trong trường hợp công ty không thể thực hiện được một phần vụ trả nợ thì ba bạn trong khả năng tài chính của mình phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ với ngân hàng. Nếu không thể thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì sẽ bị tịch biên tài sản theo quy định của pháp luật về thực hiện nghĩa vụ dân sự. Nếu tịch biên toàn bộ tài sản mà không đủ trả nợ thì món nợ đó sẽ được xử lý theo các biện pháp xử lý nợ khó đòi của ngân hàng, ba bạn khi nào có khả năng trả thì phải tiếp tục trả nợ chứ không bị đi tù.
Thứ ba, về câu hỏi “Mức lương hiện nay (đã trừ thuế) của ba tôi là 25 triệu đồng/tháng. Với mức lương đó thì có thể vay được 2,5 tỉ không? Nếu ba tôi kí vào bảng lương cao hơn mức 25 triệu để vay thì có bị quy tội là lừa đảo không?” của bạn chúng tôi xin được trả lời như sau:
Với mức lương 25 triệu hiện nay của ba bạn thì tuỳ từng chính sách cho vay của mỗi ngân hàng nhưng hiện nay theo tôi được biết, mức vay tối đa của những người có thu nhập chuyển khoản từ 8 triệu trở lên cũng chỉ gấp 20 -30 lần lương và tối đa không quá 900 triệu.
Nếu ba bạn ký vào bảng lương cao hơn mức 25 triệu thì không bị quy vào tội lừa dảo. Bởi vì, thứ nhất, bảng lương là do công ty của ba bạn lập và xác nhận, công ty ba bạn mới là người phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của nó. Thứ hai, trong trường hợp ba bạn ký vào đó để vay được với mức cao hơn thì ba bạn phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ lớn hơn, trong trường hợp cả ba bạn và công ty ba bạn (đứng ra bảo lãnh) không thể thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trả nợ (không trả được hết số nợ) thì công ty của ba bạn phải chịu trách nhiệm trả nợ trước ngân hàng và yêu cầu ba bạn thực hiện nghĩa vụ hoàn trả cho công ty sau.
Thư Viện Pháp Luật