Chủ thể của tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi
Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, người phạm tội không nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn và cũng không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, mà chỉ lợi dụng ảnh hưởng của mình đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Việc nhà làm luật quy định tội phạm này trong chương “các tội phạm về chức vụ” là vì khách thể của tội phạm chứ không phải vì chủ thể của tội phạm. Tuy nhiên, người phạm tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi nhưng không phải là bắt buộc đối với tội phạm này.
Người phạm tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi có thể là người đang có chức vụ, quyền hạn nhưng họ không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, mà họ chỉ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chi phối người có chức vụ, quyền hạn khác làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.
Cũng có trường hợp người phạm tội chỉ là người đã giữ những chức vụ, quyền hạn nên có ảnh hưởng nhất định đối với người đang có chức vụ, quyền hạn và người đang có chức vụ, quyền hạn vì nể, thậm chí sợ người này mà làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm. Ví dụ: Nguyễn Trọng M nguyên là chủ tịch UBND huyện đã nghỉ hưu. Trước khi nghỉ hưu, M đã giới thiệu ông Hoàng Ngọc H lúc đó là Phó chủ tịch để thay M, nên giữa M và H có mối quan hệ và M có ảnh hưởng rất lớn đối với Ông H. Đỗ Xuân Đ là cháu của M vừa tốt nghiệp đại học thủy lợi được phân công lên miền núi công tác, Đ không muốn lên miền núi nên đã đến nhờ M tác động với Ông H để ông H nhận Đ về UBND huyện. M nhận lời và đã tác động với Ông H để xin cho Đ vào công tác ở UBND huyện. Để trả ơn M, Đỗ Xuân Đ đã biếu M một dàn máy DC gồm một màn hình 21’, một bộ âm ly và hai chiếc loa thùng trị giá 2500USD.
Ngoài những người đang hoặc đã có chức vụ, quyền hạn, chủ thể của tội phạm này còn gồm những người khác như: người có quan hệ thân thích với người có chức vụ, quyền hạn (ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác…), người có quan hệ lệ thuộc với người có chức vụ, quyền hạn (thầy giáo đối với học sinh, bác sỹ đối với người bệnh, người nuôi dưỡng đối với người được nuôi dưỡng, chủ nợ với con nợ…), bạn bè, đồng đội…
Nếu tiền và tài sản mà người phạm tội được lợi dưới 2 triệu đồng thì phải kèm theo điều kiện đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm mới coi là phạm tội.
Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này là đã bị xử lý kỷ luật về hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi bằng một trong những hình thức kỷ luật theo quy định của Nhà nước hoặc theo quy định trong Điều lệ của tổ chức và chưa hết thời hạn được xóa kỷ luật, nay lại có hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi thì mới cấu thành tội phạm. Nếu trước đó người phạm tội tuy có bị xử lý kỷ luật, nhưng về hành vi khác không phải là hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi thì cũng chưa cấu thành tội phạm này.
Việc nhà làm luật chỉ quy định đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm chỉ phù hợp với người phạm tội là người đang có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức nhưng không phù hợp với người phạm tội là người thân thích, là người có quan hệ lệ thuộc với người có chức vụ, quyền hạn. Phải chăng nhà làm luật chỉ giới hạn chủ thể của tội phạm này là cán bộ, công chức? Đây là vấn đề cả về lý luận và về thực tiễn đều phải làm rõ.
Người có hành vi dùng ảnh hưởng của mình đối với người có chức vụ, quyền hạn, trong thực tế không chỉ người có chức vụ, quyền hạn mới dùng ảnh hưởng của mình đối với người có chức vụ, quyền hạn mà có nhiều trường hợp họ chỉ là người thân của người có chức vụ, quyền hạn. Ví dụ: Trần Thị H là nhân tình của ông Bùi Văn N, Giám đốc Công ty dịch vụ thương mại thành phố A, H là người buôn bán tự do không phải là cán bộ, công chức, cũng không phải là thành viên trong bất cứ tổ chức nào. Nhưng vì là tình nhân của N nên đã dùng ảnh hưởng của mình tác động ông N để ông N nhận Nguyễn Thị Kim Th - một sinh viên mới ra trường vào làm việc tại Công ty do N làm giám đốc và H đã nhận của chị Th nhiều lần với tổng số tiền là 3 triệu đồng. Rõ ràng trong trường hợp này, H không phải là người có chức vụ, quyền hạn hoặc là cán bộ, công chức, nếu H nhiều lần nhận dưới 500 ngàn đồng “nay là 2 triệu đồng” thì không cấu thành tội phạm vì không thể xử lý kỷ luật H được, mà chỉ có thể xử phạt hành chính, nhưng điều luật chỉ quy định đã bị xử lý kỷ luật dẫn đến việc trong thực tế có một số đối tượng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội này.
Dù là người có chức vụ, quyền hạn hay là người không có chức vụ, quyền hạn thì họ chỉ trở thành chủ thể của tội phạm này trong những trường hợp sau:
Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 291, vì các trường hợp phạm tội này là tội phạm rất nghiêm trọng.
Người dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 291 Bộ luật hình sự, mà chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.
Đối với tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi quy định tại khoản 1 của điều luật chỉ là tội phạm nghiêm trọng.
Thư Viện Pháp Luật