Tự nguyện thi hành án có được hưởng quyền lợi gì hay không?
Hiện nay, không có quy định nào quy định tự nguyện thi hành án được hưởng quyền lợi cụ thể nào, tuy nhiên, nếu tự nguyện thi hành án thì có nhiều lợi ích, như: không bị áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án, lãi suất chậm thi hành án, chi phí cưỡng chế thi hành án.v.v.
Theo quy định tại Điều 9 Luật THADS năm 2008 thì tự nguyện thi hành án là một trong hai biện pháp thi hành án dân sự, cụ thể: “1. Nhà nước khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án. 2. Người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật này”. Tự nguyện thi hành án là xuất phát từ phía các bên đương sự, nhằm thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự đã được bản án, quyết định ghi nhận, thể hiện ý chí và sự mong muốn của các đương sự. Mặt khác, tự nguyện thi hành án còn là một biện pháp của Chấp hành viên được áp dụng trong quá trình thi hành án.
Kết quả của tự nguyện thi hành án là tiền đề, là cơ sở, là căn cứ để Chấp hành viên áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án nếu đương sự không tự nguyện thi hành. Tự nguyện thi hành án là biện pháp đầu tiên, quan trọng để các Chấp hành viên thi hành bản án, quyết định trên thực tế. Mặt khác, tự nguyện thi hành án cũng là mục tiêu phấn đấu và cũng là sự mong muốn hướng tới của các cơ quan thi hành án nói chung và của các Chấp hành viên nói riêng bởi hiệu quả của việc tự nguyện thi hành án là rất cao, góp phần giữ vững được sự ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trong khu vực, thắt chặt được mối quan hệ đoàn kết, tiết kiệm thời gian, tiền của, công sức và tác động đến ý thức chấp hành pháp luật của công dân. Chủ thể của tự nguyện thi hành án không chỉ là người được thi hành án, người phải thi hành án, mà còn có thể là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Đối với người được thi hành án, sự tự nguyện của người được thi hành án chính là họ dùng quyền lợi của mình đã được Bản án có hiệu lực pháp luật ghi nhận để thể hiện sự tự nguyện của mình. Sự tự nguyện thi hành án của người được thi hành án thể hiện ở chỗ họ có thể thỏa thuận với người phải thi hành án về thời gian, địa điểm, phương thức thi hành án, nhưng thỏa thuận này không trái pháp luật và đạo đức xã hội. Việc tự nguyện thi hành án của người được thi hành án cũng được Nhà nước khuyến khích và được thể hiện dưới một cơ chế khác, đó là người được thi hành án cũng có thể đơn phương tự nguyện đồng ý cho bên phải thi hành án hoãn thi hành án, thời gian hoãn do bên được thi hành án quyết định. Hoặc người được thi hành án cũng có thể đơn phương tự nguyện từ bỏ quyền và lợi ích của họ được hưởng theo bản án quyết định, nếu việc từ bỏ này không làm ảnh hưởng đến lợi ích Nhà nước hoặc của người khác. Cả hai trường hợp nói trên, tuy cách xử lý khác nhau nhưng về bản chất đều giống nhau đó là thể hiện việc tự nguyện thi hành án của người được thi hành án.
Đối với người phải thi hành án, khi nói đến tự nguyện thi hành án là chủ yếu nói đến sự tự nguyện thi hành án của người phải thi hành án. Đây là đối tượng thể hiện một cách trực tiếp nhất, cụ thể nhất về bản chất và hình thức của tự nguyện thi hành án. Vì vậy, người phải thi hành án là đối tượng mà các cơ quan thi hành án, các Chấp hành viên đặc biệt quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ của mình đối với Quyết định thi hành án. Việc tự nguyện thi hành án của người phải thi hành án có thể được thực hiện đầy đủ, kịp thời và đúng với quyết định thi hành án; cũng có thể họ chỉ tự nguyện thực hiện một phần trong các khoản phải thi hành án. Vì vậy, một mặt, phải ghi nhận sự tự nguyện của người phải thi hành án, mặt khác phải tiếp tục động viên, khuyến khích họ nên có thái độ tự giác, tự nguyện trong việc chấp hành pháp luật.
Thư Viện Pháp Luật