Vấn đề giữ lại bản chính văn bằng, chứng chỉ của người lao động
Theo như bạn trình bày, giữa bạn và chủ tiệm thuốc chỉ có thỏa thuận bằng miệng về hợp đồng lao động, hợp đồng đào tạo nghề và hợp đồng đặt cọc giấy tờ, bằng cấp gốc.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, các giấy tờ nhân thân như bằng đại học, chứng minh nhân dân… là tài sản thuộc sở hữu cá nhân được pháp luật bảo vệ.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18/4/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động năm 1994 (sửa đổi, bổ sung năm 2006, 2007) về việc làm thì hồ sơ đăng ký dự tuyển (hồ sơ xin việc làm) bao gồm:
1. Đơn xin việc;
2. Sơ yếu lý lịch;
3. Bản sao văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của vị trí dự tuyển;
4. Giấy khám sức khỏe của cơ quan y tế;
5. Các giấy tờ khác.
Vì vậy, người sử dụng lao động không được phép giữ văn bằng, chứng chỉ gốc của người lao động. Do đó, khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động vì bất cứ lý do gì, nếu người sử dụng lao động không trả lại văn bằng, chứng chỉ gốc cho người lao động thì người lao động hoàn toàn có thể khởi kiện ra tòa.
Như vậy, trường hợp chủ tiệm thuốc nơi bạn làm việc giữ bản gốc bằng dược sĩ của bạn là không đúng pháp luật. Chủ tiệm thuốc phải có nghĩa vụ giao trả lại bằng cho bạn. Tuy nhiên, nếu chủ tiệm thuốc vẫn tiếp tục giữ bằng của bạn thì bạn có thể thương lượng trực tiếp với chủ tiệm thuốc. Nếu qua thương lượng trực tiếp mà bạn không đồng ý với đề xuất của chủ tiệm về việc phải trả lại 600.000 đ tiền lương 1 tháng làm việc, bạn có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan lao động cấp huyện cử hòa giải viên lao động để hòa giải tranh chấp giữa bạn và chủ tiệm thuốc. Nếu hòa giải không thành, bạn có quyền làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền xét xử và thuê luật sư để bào chữa cho bạn đối với tranh chấp này.
Thư Viện Pháp Luật