Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động
Thứ nhất, về vấn đề đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động:
Người sử dụng lao động khi quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải tuân theo các quy định tại Điều 38, 41, 42 Bộ luật Lao động (sửa đổi, bổ sung năm 2002).
Theo đó, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp sau đây:
Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng;
Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải;
Người lao động làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn ốm đau đã điều trị 12 tháng liền mà khả năng lao động chưa hồi phục;
Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi cách khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;
đ) Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức chấm dứt hoạt động.
Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải tuân thủ thời hạn báo trước là ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn trừ trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại Điều 85 Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung năm 2002.
Do đó, trừ trường hợp bạn bị xử lý kỷ luật sa thải, việc Công ty ZTE đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bạn mà không tuân thủ thời hạn báo trước là không đúng pháp luật.
Thứ hai, về vấn đề trợ cấp mà người lao động được hưởng trong trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Bộ luật Lao động quy định như sau:
Trong trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng pháp luật đối với người lao động có hợp đồng không xác định thời hạn thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trợ cấp thôi việc, cứ một năm làm việc là nửa tháng lương, cộng với phụ cấp lương, nếu có. Nếu chấm dứt theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 85 thì người lao động không được trợ cấp thôi việc (Điều 42);
Trong trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật thì phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng đã ký và phải bồi thường một khoản tiền tương ứng với tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất hai tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có). Trong trường hợp người lao động không muốn trở lại làm việc thì ngoài khoản tiền được bồi thường người lao động còn được nhận tiền trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 42. Trong trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận người lao động trở lại làm việc và người lao động đồng ý thì ngoài khoản tiền trợ cấp, hai bên thỏa thuận về khoản tiền bồi thường thêm cho người lao động để chấm dứt hợp đồng lao động (Điều 41).
Thứ ba, về vấn đề thủ tục khiếu nại quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng thì phải tuân theo quy định tại Nghị định số 04/2005/NĐ-CP ngày 11/01/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một điều của Bộ luật Lao động về khiếu nại, tố cáo về lao động. Theo quy định tại Điều 8 thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo về lao động thuộc về:
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm giải quyết khiếu nại lần đầu;
- Khi tiến hành thanh tra, thanh tra lao động có quyền tiếp nhận và giải quyết khiếu nại về lao động;
- Chánh thanh tra Sở có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về lao động mà thanh tra viên hoặc người sử dụng lao động đã giải quyết nhưng còn khiếu nại;
- Chánh thanh tra Bộ có thẩm quyền giải khiếu nại về lao động mà Chánh thanh tra Sở đã giải quyết nhưng còn khiếu nại. Quyết định của Chánh thanh tra Bộ là quyết định giải quyết cuối cùng
Như vậy, nếu bạn không đồng ý với quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng thì bạn có thể gửi Đơn khiếu nại đến Thanh tra lao động cơ sở hoặc Giám đốc Văn phòng đại diện ZTE Corporation.
Thư Viện Pháp Luật