Công an can thiệp vào thi hành án dân sự đúng hay sai?
Câu hỏi bạn không nói rõ việc thi hành án ở thời điểm nào. Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và các văn bản dưới luật hướng dẫn như sau:
1. Khoản 3 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định “Số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm đó sau khi trừ các chi phí về thi hành án”.
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì gia đình bạn thuộc diện được ưu tiên thi hành án đối với khoản tiền bán đấu giá tài sản có cầm cố, thế chấp để đảm bảo cho việc thi hành án.
2. Khoản 1,2 Điều 20 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên như sau:
“Kịp thời tổ chức thi hành vụ việc được phân công; ra các quyết định về thi hành án theo thẩm quyền”.
“Thi hành đúng nội dung bản án, quyết định; áp dụng đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án, bảo đảm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; thực hiện nghiêm chỉnh chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp Chấp hành viên”.
Khoản 2 Điều 169 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công an trong thi hành án dân sự như sau:
“Chỉ đạo cơ quan Công an bảo vệ cưỡng chế thi hành án, phối hợp bảo vệ kho vật chứng của cơ quan thi hành án dân sự trong trường hợp cần thiết”.
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì cơ quan Công an có nhiệm vụ bảo vệ việc tổ chức cưỡng chế thi hành án của Chấp hành viên mà không có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự phải thanh toán tiền thi hành án cho những người được thi hành án không thuộc diện được ưu tiên theo quy định tại khoản 3 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự.
3. Khoản 4 Điều 2 Thông tư liên tịch số 14 ngày 11/7/2011 Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo thi thi hành án dân sự “Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan, tổ chức hữu quan với cơ quan thi hành án dân sự trong việc tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự đối với những trường hợp quy định tại Điều 1 của Thông tư liên tịch này”.
Như vậy, nếu cơ quan Công án không phối hợp trong việc cưỡng chế thi hành án thì Cơ quan thi hành án dân sự báo cáo vụ việc với Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án dân sự cấp trên theo quy định.
Thư Viện Pháp Luật