Ra quyết định thi hành án trong trường hợp ủy quyền làm đơn yêu cầu thi hành án
Khoản 2 và khoản 3 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự giải thích từ ngữ Người được thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành. Người phải thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành. Do đó, người được người được thi hành án ủy quyền không phải là người được thi hành án.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao “hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự” trường hợp đương sự có uỷ quyền cho người khác yêu cầu thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của người được uỷ quyền.
Trong trường hợp này, Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của người được uỷ quyền, nhưng cần lưu ý rằng người được ủy quyền yêu cầu thi hành án không phải là người được thi hành án hoặc người phải thi hành án, họ chỉ là người được người được thi hành án hoặc người phải thi hành án ủy quyền thực hiện công việc yêu cầu thi hành án, chứ không phải là người được hưởng quyền, lợi ích hoặc phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành.
Vì thế trong quyết định thi hành án có phần căn cứ đơn yêu cầu thi hành án của người được ủy quyền để ra quyết định thi hành án, nhưng quyết định thi hành án phải thể hiện rõ ai là người được thi hành án, người phải thi hành án và ai là người được ủy quyền làm đơn yêu cầu thi hành án.
Thư Viện Pháp Luật