Khai nhận thừa kế theo di chúc
Chúng tôi xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:
- Trước hết, việc khai nhận thừa kế di sản là quyền sử dụng đất theo di chúc là trường hợp bắt buộc phải công chứng. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn việc khai nhận di sản thừa kế theo di chúc một cách thống nhất mà các văn bản chỉ đề cập đến việc công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản (trong trường hợp những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ di sản được hưởng của từng người); yêu cầu công chứng Văn bản khai nhận di sản (trong trường hợp chỉ có duy nhất một người thừa kế hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó) (Điều 49, 50 Luật Công chứng năm 2006; Điều 52, 53 Nghị định 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực). Trong mẫu văn bản ban hành kèm theo Thông tư 04/2006/TTLT-BTP-BTNMT ngày 13/06/2006 hướng dẫn việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất cũng không có văn bản khai nhận di sản thừa kế theo di chúc thông thường.
- Bạn cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
+ Chứng minh nhân dân, Hộ khẩu, Giấy khai sinh của những người khai nhận di sản thừa kế.
+ Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế.
+ Một bản Sơ yếu lý lịch của một trong những người khai nhận di sản thừa kế (đã có xác nhận của UBND phường, xã hoặc cơ quan có thẩm quyền).
+ Giấy tờ về di sản thừa kế như: Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
+ Di chúc hợp pháp.
+ Giấy uỷ quyền, giấy nhường di sản thừa kế, giấy từ chối di sản thừa kế.
Bạn phải nộp đủ các giấy tờ nêu trên cho Công chứng viên tại văn phòng công chứng. Sau thời gian 30 ngày niêm yết thông báo khai nhận di sản thừa kế, nếu không có khiếu nại, khiếu kiện nào thì Công chứng viên lập Văn bản khai nhận di sản thừa kế.
Thư Viện Pháp Luật