Thời gian tính thâm niên nghề thi hành án
Câu hỏi của bạn cần xác định theo 02 loại thâm niên sau đây:
1. Thâm niên công tác (thời gian công tác) hoặc thời gian tham gia cách mạng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội: Tính từ ngày bạn vào ngành (vào biên chế) năm 2001.
2. Thời gian để tính chế độ phụ cấp thâm niên nghề:
Chế độ phụ cấp thâm niên đối với cán bộ, công chức của các cơ quan thi hành án dân sự, theo quy định tại Nghị định số 76/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ “về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang” và Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT-BNV-BTC ngày 24/12/2009 Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính “hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với cán bộ, công chức đã được xếp lương theo ngạch hoặc chức danh chuyên ngành tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự và kiểm lâm” phải là người đã đã được xếp lương theo ngạch hoặc chức danh chuyên ngành thi hành án dân sự
Chế độ phụ cấp thâm niên nghề áp dụng đối với cán bộ, công chức trong biên chế xếp lương theo các ngạch hoặc các chức danh chuyên ngành thi hành án dân sự theo hướng dẫn tại Công văn số 566/BTP-TCTHA ngày 09/3/2010 của Bộ Tư pháp, bao gồm: Các ngạch Chấp hành viên của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương; Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp thi hành án thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án dân sự địa phương; Thư ký thi hành án dân sự. Theo quy định thì ngạch Thư ký thi hành án dân sự không đồng nhất với ngạch chuyên viên pháp lý.
Như vậy, thời gian để áp dụng chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với bạn tính từ khi bạn được bổ nhiệm Chấp hành viên (tháng 01/2006).
Thư Viện Pháp Luật