Con dâu có được hưởng di sản là quyền sử dụng đất do bố, mẹ chồng để lại không?
1. Về quyền sử dụng đất do ông nội bạn để lại
Trước hết xin lưu ý với bạn vấn đề này: Theo quy định của pháp luật từ thời điểm mẹ bạn nộp thuế thì việc mẹ bạn nộp thuế nhà đất hơn 10 năm nay không phải là căn cứ để khẳng định mẹ bạn là chủ sử dụng quyền sử dụng đất đối với mảnh đất đó. Điều 2 Pháp lệnh Thuế nhà, đất năm 1992 (từ ngày 01/01/2012, Pháp lệnh năm 1992 đã được thay thế bằng Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp nhưng đối với các trường hợp trước ngày 01/01/2012 thì vẫn căn cứ vào Pháp lệnh này để giải quyết) nêu “Trong trường hợp còn có sự tranh chấp hoặc chưa xác định được quyền sử dụng đất, thì tổ chức, cá nhân đang trực tiếp sử dụng đất là đối tượng nộp thuế đất”. Điều 11 Pháp lệnh cũng quy định: cá nhân đang trực tiếp sử dụng đất có nghĩa vụ kê khai tình hình sử dụng đất và nộp thuế đầy đủ, đúng thời hạn theo thông báo của cơ quan thuế.
Hơn nữa, pháp luật chỉ quy định thời hiệu khởi kiện thừa kế để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế (Điều 645 BLDS). Nếu sau 10 năm thì người thừa kế không có quyền khởi kiện nữa nhưng không có nghĩa là các đồng thừa kế không có quyền thỏa thuận phân chia di sản thừa kế do người chết để lại.
Trường hợp của nhà bạn, ông nội bạn không để lại di chúc thì những người thừa kế của ông (vợ và các con của ông) có quyền tiến hành khai nhận và phân chia di sản là quyền sử dụng đất mà ông để lại theo quy định của pháp luật. Việc khai nhận có thể tiến hành vào bất kỳ lúc nào, kể cả đến nay đã quá 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế (ngày ông nội bạn mất).
Trong câu hỏi, bạn không nêu rõ việc bố chồng bạn đã chết trước hay chết sau ông nội nên chưa xác định được mẹ chồng bạn có được hưởng một phần di sản của ông nội bạn hay không. Trường hợp bố chồng bạn chết trước ông nội thì khi chia di sản thừa kế của ông nội sẽ áp dụng Điều 677 BLDS về thừa kế thế vị: các con của bố chồng bạn (trong đó có chồng bạn) sẽ được hưởng phần di sản mà bố chồng bạn được hưởng từ ông nội nếu bố chồng bạn còn sống. Trường hợp bố chồng bạn chết sau ông nội thì khi chia di sản của ông nội, phần di sản mà bố chồng bạn được hưởng nếu còn sống sẽ được chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố chồng bạn (trong đó có mẹ chồng bạn và chồng bạn). Như vậy, chỉ trong trường hợp bố chồng bạn chết sau ông nội thì mẹ chồng bạn mới được hưởng một phần quyền sử dụng đất của ông nội để lại (hưởng thay phần di sản mà bố chồng bạn được hưởng).
2. Về quyền sử dụng đất do bà nội bạn để lại
Theo thông tin bạn cung cấp thì bà nội bạn đã để lại di chúc có người làm chứng và để toàn bộ quyền sử dụng đất cho chồng bạn làm hương hỏa. Di chúc do bà nội bạn lập cũng là một trong những hình thức của di chúc quy định trong Bộ luật Dân sự (Di chúc bằng văn bản có người làm chứng - khoản 2 Điều 650 BLDS).
Mặc dù chưa có sự làm chứng của luật sư nhưng di chúc của bà nội bạn vẫn có thể có hiệu lực nếu đáp ứng được những điều kiện về tính hợp pháp của di chúc quy định tại Điều 625 BLDS:
Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;
- Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.
Người làm chứng trong di chúc của bà nội bạn cũng phải đáp ứng điều kiện tại Điều 654 BLDS, và không thuộc những người sau:
- Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;
- Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;
- Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự.
Nếu di chúc của bà bạn hợp pháp thì di sản là quyền sử dụng đất của bà bạn sẽ được giao cho chồng bạn (là người được chỉ định trong di chúc). Nhưng trong di chúc bà nội bạn đã nêu rõ: mảnh đất được dùng làm hương hỏa, do vậy theo Điều 670 BLDS về di sản dùng vào việc thờ cúng thì: chồng bạn chỉ được quản lý mảnh đất đó và không có quyền định đoạt (như chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp…) quyền sử dụng đất đó.
Nếu di chúc của bà nội bạn không hợp pháp thì quyền sử dụng đất của bà được chia thừa kế theo pháp luật cho những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà là: các con của bà. Do bố chồng bạn đã mất trước bà nội nên phần di sản mà bố chồng bạn được hưởng nếu còn sống sẽ được chia cho các con ông (là chồng của bạn và các anh em của chồng bạn) theo quy định về thừa kế thế vị tại Điều 677 BLDS.
Như vậy thì trong cả hai trường hợp trên, mẹ chồng bạn đều không được hưởng di sản do bà nội bạn để lại.
Thư Viện Pháp Luật