Kê biên tài sản theo yêu cầu của người phải thi hành án
Về nguyên tắc khi người phải thi hành án có đơn yêu cầu kê biên toàn bộ tài sản, có giá trị lớn hơn rất nhiều so với các khoản phải thi hành thì Chấp hành viên phải xem xét, cân nhắc việc thực hiện. Nếu toàn bộ tài sản có giá trị lớn hơn rất nhiều so với các khoản phải thi hành án nhưng tài sản đó có thể phân chia, tách rời mà không làm mất hoặc giảm đáng kể giá trị của tài sản, thì Chấp hành viên chỉ kê biên, bán đấu giá tài sản tương ứng với khoản phải thi hành án và chi phí cưỡng chế thi hành án.
Tuy nhiên, trong trường hợp nhất định thì mặc dù người phải thi hành án không đề nghị kê biên toàn bộ tài sản, thì Chấp hành viên vẫn có quyền kê biên, bán đấu giá toàn bộ tài sản đó, tài sản đó nếu tách rời sẽ làm mất hoặc giảm đáng kể giá trị của tài sản hoặc tài sản đó gắn liền với đất thì thực hiện theo Điều 94 Luật Thi hành án dân sự “khi kê biên tài sản là công trình xây dựng gắn liền với đất phải kê biên cả quyền sử dụng đất, trừ trường hợp quyền sử dụng đất không được kê biên theo quy định của pháp luật hoặc việc tách rời tài sản kê biên và đất không làm giảm đáng kể giá trị tài sản đó”. Trường hợp người phải thi hành án đề nghị kê biên tài sản cụ thể trong số nhiều tài sản mà việc đề nghị không gây trở ngại cho việc thi hành án và tài sản đó đủ để thi hành án và các chi phí liên quan thì Chấp hành viên lập biên bản giải thích cho đương sự về việc phải chịu mọi chi phí liên quan đối với việc xử lý tài sản đó và tiến hành kê biên tài sản để thi hành án theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự.
Thư Viện Pháp Luật