Thế chấp tài sản chung của vợ chồng để bảo đảm cho doanh nghiệp mà chồng là người đại diện
Khoản 5 Điều 144 Bộ luật Dân sự quy định về phạm vi đại diện như sau: “Người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Trường hợp của bạn thì trong Hợp đồng thế chấp ba bên sẽ vướng phải quy định này vì chồng bạn sẽ có hai tư cách là: bên thế chấp và đại diện bên có nghĩa vụ được bảo đảm.
Trên thực tế, để tránh vi phạm quy định của pháp luật là giao dịch với chính mình như bạn đã nói thì các bên thường ký với nhau Hợp đồng thế chấp hai bên. Chủ thể hợp đồng chỉ có: bên nhận thế chấp và bên thế chấp (vợ chồng bạn). Nhưng trong nội dung của hợp đồng, ở phần nghĩa vụ được bảo đảm theo hợp đồng này sẽ nêu rõ: “Nghĩa vụ được bảo đảm là nghĩa vụ của Doanh nghiệp ... đối với bên nhận thế chấp.” Nội dung này sẽ nêu rõ thông tin về Doanh nghiệp của chồng bạn.
Trường hợp các bên không muốn ký hợp đồng thế chấp hai bên mà vẫn yêu cầu ký hợp đồng thế chấp ba bên thì có thể giải quyết như sau: Chồng bạn (với tư cách là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp) có thể ủy quyền cho người khác được đại diện cho doanh nghiệp đứng ra lập và ký hợp đồng thế chấp. Như vậy, các chủ thể của hợp đồng thế chấp ba bên là: bên nhận thế chấp – bên thế chấp (vợ chồng bạn) – bên có nghĩa vụ được bảo đảm (Doang nghiệp của chồng bạn, đại diện theo ủy quyền là ...). Làm như vậy sẽ tránh được việc chồng bạn thực hiện một giao dịch với hai tư cách như nêu trên.
Thư Viện Pháp Luật