Cơ quan thi hành án dân sự trả lại bản án, quyết định cho Tòa án trường hợp nào?
1. Về vấn đề này, theo quy định tại Điều 27, 28, 29 Luật Thi hành án dân sự 2008, khi bản án, quyết định được ban hành thì Toà án đã ra bản án, quyết định được quy định phải cấp cho người được thi hành án, người phải thi hành án bản án, quyết định có ghi “Để thi hành". Trách nhiệm chuyển giao bản án, quyết định của toà án, cơ quan có thẩm quyền đã ra bản án, quyết định đó cho cơ quan thi hành án đã được quy định tại Điều 381 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 và Điều 28 Luật Thi hành án dân sự 2008. Theo đó, trường hợp xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm thì Toà án đã xét xử không phải gửi bản án, quyết định cho Toà án đã xét xử sơ thẩm để nơi này chuyển giao cho cơ quan thi hành án mà bản án, quyết định phải được gửi trực tiếp đến cơ quan thi hành án cùng cấp với Toà án đã xét xử sơ thẩm, nơi đã xét xử sơ thẩm. Việc chuyển giao bản án, quyết định có thể bằng hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.
Mặt khác, Luật Thi hành án dân sự 2008 và các văn bản pháp luật liên quan đã quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của cơ quan ra bản án, quyết định trong việc phải chuyển giao bản án, quyết định cho cơ quan thi hành án dân sự và trách nhiệm trong việc phải có văn bản trả lời, giải thích những kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự trong thời hạn nhất định. Điều này tạo điều kiện cho cơ quan thi hành án và các Chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án được thuận lợi và nhanh chóng, đồng thời, cũng ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan này trong trường hợp để tình trạng bản án, quyết định đã được ban hành nhưng không chuyển giao, hoặc chuyển giao chậm, dẫn đến tồn đọng.
Đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, Toà án đã ra bản án, quyết định phải chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.
Đối với những bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị nhưng có thể được thi hành ngay thì Toà án đã ra bản án, quyết định phải chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra bản án, quyết định.
Đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Toà án đã ra quyết định phải chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự ngay sau khi ra quyết định.
2. Về thủ tục nhận bản án, quyết định, Luật Thi hành án dân sự đã bổ sung quy định về thủ tục nhận bản án, quyết định của toà án tại Điều 29, theo đó, khi nhận bản án, quyết định do Toà án chuyển giao dù với hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện, cơ quan thi hành án dân sự phải kiểm tra, vào sổ nhận bản án, quyết định. Hiện nay, sổ nhận bản án, quyết định phải được lập và bảo quản theo đúng quy định tại Thông tư số 06/2007/TT-BTP ngày 05/07/2007 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục hành chính trong hoạt động thi hành án dân sự.
Khi cơ quan thi hành án dân sự vào sổ nhận bản án, quyết định phải ghi rõ số thứ tự; ngày, tháng, năm nhận bản án, quyết định; số, ngày, tháng, năm của bản án, quyết định và tên Toà án đã ra bản án, quyết định; họ, tên, địa chỉ của đương sự và tài liệu khác có liên quan.
Việc giao, nhận trực tiếp bản án, quyết định phải có chữ ký của bên giao và bên nhận. Trong trường hợp nhận được bản án, quyết định và tài liệu có liên quan bằng đường bưu điện thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho Toà án đã chuyển giao biết.
3. Hiện nay, không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định các trường hợp cơ quan thi hành án dân sự trả lại bản án, quyết định cho Tòa án. Do vậy, Tòa án có trách nhiệm chuyển giao bản án, quyết định cho cơ quan thi hành án dân sự đúng pháp luật. Cơ quan thi hành án có trách nhiệm nhận bản án, quyết định của Tòa án, trừ trường hợp có sự nhầm lẫn, sai sót rõ ràng, ví dụ: Tòa án chuyển bản án, quyết định cho cơ quan thi hành án dân sự quận B nhưng Tòa án lại chuyển nhầm cho cơ quan thi hành án dân sự quận C. Trong trường hợp này, cơ quan thi hành án dân sự quận C gửi trả lại Tòa án để Tòa án chuyển bản án, quyết định cho cơ quan thi hành án dân sự quận B.
Thư Viện Pháp Luật