Dấu giáp lai trong bản sao chứng thực

Khi chứng thực theo Nghị định 79/2007/NĐ-CP thì đóng dấu giáp lai bằng Dấu tròn của UBND xã hay dấu khác?

Việc đóng dấu giáp lai khi chứng thực mà bạn hỏi có trong thủ tục chứng thực bản sao từ bản chính quy định tại Điều 13 Nghị định 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký. Theo đó người thực hiện chứng thực đối chiếu bản sao với bản chính, nếu bản sao đúng với bản chính thì chứng thực. Khi chứng thực bản sao từ bản chính người thực hiện chứng thực phải ghi rõ “chứng thực bản sao đúng với bản chính”, ngày, tháng, năm chứng thực, ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu của cơ quan có thẩm quyền chứng thực. Trang đầu tiên của bản sao phải được ghi rõ chữ "BẢN SAO" vào chỗ trống phía trên bên phải, nếu bản sao có từ hai tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai.

Việc đóng dấu giáp lai đối với văn bản được thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 26 Nghị định số 110/2004/NĐ-CP về công tác văn thư và khoản 2 Điều 13 Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19/01/2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính: dấu giáp lai được đóng vào khoảng giữa mép phải của văn bản hoặc phụ lục văn bản, trùm lên một phần các tờ giấy; mỗi dấu đóng tối đa 05 trang văn bản.

Dấu của cơ quan có thẩm quyền chứng thực ở đây là dấu của: Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

Như vậy nếu bạn chứng thực tại UBND cấp xã thì sẽ đóng dấu giáp lai bằng dấu của UBND cấp xã.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào