Phân chia di sản thừa kế đối với tiền gửi tiết kiệm
Khoản 1 Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định:
"Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung."
Mặc dù sổ tiết kiệm đứng tên vợ anh nhưng số tiền tiết kiệm là do anh chị dành dụm được trong thời kỳ hôn nhân nên đây vẫn là tài sản chung của hai vợ chồng.
Vợ anh chết không để lại di chúc. Tài sản của vợ anh gồm tài sản riêng và một phần khối tài sản chung của hai vợ chồng (trong đó có số tiền tiết kiệm) sẽ được chia thừa kế theo quy định của pháp luật.
Theo điểm a khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự: "Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết". Tài sản của của vợ anh sẽ được chia đều cho những người thừa kế. Người thừa kế phải là những người thuộc hàng thừa kế nêu trên và phải còn sống tại thời điểm người để lại di sản chết.
Trước khi chia thừa kế, những người thừa kế có thể thỏa thuận cử ra người quản lý di sản. Đối với tài sản chung của vợ chồng, nếu không có thỏa thận khác, anh sẽ là người quản lý theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật Hôn nhân và gia đình. Quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản được quy định tại Điều 639, 640 Bộ luật Dân sự.
Do sổ tiết kiệm đứng tên vợ anh nên anh không thể trực tiếp giao dịch với ngân hàng. Việc thanh toán số tiền tiết kiệm sẽ được thực hiện sau khi tài sản được phân chia theo quy định của pháp luật. Ngân hàng nơi vợ anh mở tài khoản tiết kiệm sẽ căn cứ vào văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế đã được công chứng hoặc quyết định chia di sản thừa kế của Tòa án để thanh toán số dư tiền gửi tiết kiệm cho người thừa kế.
Thư Viện Pháp Luật