Bảng quy định giá các loại đất trên địa bàn cấp tỉnh chỉ là một trong những căn cứ để xác định giá tài sản thu phí thi hành án
Hiện nay, việc định giá tài sản để thu phí thi hành án thực hiện theo Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và điểm b khoản 2 mục 2 Thông tư liên tịch số 68/2008/TTLT-BTC-BTP ngày 21/7/2008 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp (nay là Thông tư liên tịch số 144/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 22/9/2010, có hiệu lực kể từ ngày 06/11/2010) hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án có quy định trường hợp giao tài sản: Trong thời hạn không quá 15 (mười lăm) ngày làm việc trước ngày dự kiến giao trả tài sản, cơ quan thu phí có trách nhiệm ra thông báo thu phí thi hành án mà người được thi hành án phải nộp theo hướng dẫn tại Thông tư này.
- Nếu quyết định của Toà án không tuyên giá trị tài sản hoặc có tuyên nhưng không còn phù hợp (thay đổi quá 20%) so với giá thị trường tại thời điểm thu phí thì cơ quan thu phí lập Hội đồng định giá tài sản (theo Thông tư liên tịch số 144/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 22/9/2010 là tổ chức định giá tài sản) để xác định phí thi hành án phải nộp của người được thi hành án. Chi phí định giá do cơ quan thi hành án chi trả từ nguồn phí thi hành án được để lại.
- Nếu giao tài sản mà người được thi hành án chưa nộp phí thi hành án, cơ quan thu phí có thể kê biên, phong toả tài sản được thi hành án và ấn định thời hạn không quá 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày giao trả tài sản để người được thi hành án nộp phí thi hành án. Quá thời hạn trên, người được thi hành án không nộp phí thi hành án thì cơ quan thu phí có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành án, bao gồm cả việc bán đấu giá tài sản đã giao cho người được thi hành án để bảo đảm thu hồi tiền phí thi hành án. Chi phí định giá, bán đấu giá tài sản do người được thi hành án chi trả.
Việc định giá, định giá lại tài sản và bán đấu giá tài sản để thu hồi tiền phí thi hành án được thực hiện theo quy định của pháp luật về định giá, bán đấu giá tài sản để thi hành án.
Trong trường hợp tổ chức thẩm định giá thực hiện việc thẩm định giá, thì theo quy định tại Nghị định số 101/2005/NĐ-CP ngày 03/8/2005 của Chính phủ về thẩm định giá và Thông tư số 17/2006/TT-BTC ngày 13/3/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 101/2005/NĐ-CP quy định tổ chức thẩm định giá chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp và kết quả thẩm định giá.
Việc xử lý tranh chấp về kết quả thẩm định giá thực hiện theo Điều 23 Nghị định số 101/2005/NĐ-CP nêu trên như sau: Bên cung cấp dịch vụ thẩm định giá và bên sử dụng kết quả thẩm định giá phải có trách nhiệm thực hiện những cam kết đã ghi trong hợp đồng. Việc giải quyết tranh chấp phát sinh trong thực hiện hợp đồng thẩm định giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về hợp đồng. Trường hợp có tranh chấp về kết quả thẩm định giá thì các bên tiến hành thủ tục xử lý tranh chấp theo một trong hai hình thức sau: Thoả thuận với nhau để giải quyết. Thẩm định lại: Trong trường hợp không công nhận kết quả thẩm định giá của chứng thư thẩm định giá ban đầu thì bên yêu cầu thẩm định giá có quyền yêu cầu doanh nghiệp thẩm định giá khác thẩm định lại và phải trả tiền dịch vụ thẩm định giá. Nếu chứng thư thẩm định giá lại phù hợp với kết quả của chứng thư thẩm định giá ban đầu thì chứng thư thẩm định giá ban đầu có giá trị cuối cùng. Nếu doanh nghiệp thẩm định giá ban đầu hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định lại không thừa nhận kết quả thẩm định lại thì các bên có thể thoả thuận giải quyết bằng trọng tài theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại hoặc toà án theo quy định của pháp luật.
- Trong trường hợp Chấp hành viên xác định giá do không ký được hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá, thì căn cứ khoản 2 Điều 15 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ, Chấp hành viên tham khảo ý kiến của cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn có liên quan trước khi xác định giá của tài sản kê biên. Việc tham khảo ý kiến của cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn có liên quan trước khi xác định giá của tài sản để thu phí thi hành án có thể thực hiện thông qua việc Chấp hành viên mời Hội đồng định giá gồm Chấp hành viên là Chủ tịch Hội đồng, đại diện cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn có liên quan là thành viên. Tuy nhiên, giá do Hội đồng đưa ra cũng chỉ là căn cứ để Chấp hành viên xác định giá tài sản, Chấp hành viên phải chịu trách nhiệm về việc xác định giá tài sản.
Giá trị của tài sản được định phải theo giá thị trường tại thời điểm định giá. Bảng khung giá các loại đất do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành chỉ là một trong những căn cứ để Chấp hành viên xác định giá của quyền sử dụng đất.
Thực tế cho thấy, đối với quyền sử dụng đất thì giá được định thường là giá bằng hoặc cao hơn (không thấp hơn) khung giá các loại đất do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, trong hồ sơ định giá của Chấp hành viên phải thể hiện là định giá theo giá thị trường, trong đó có căn cứ khung giá các loại đất do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành áp dụng tại thời điểm định giá.
Thư Viện Pháp Luật