Thợ rửa xe gây tai nạn thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Theo mô tả của bạn thì chủ xe đưa xe vào rửa xe và thợ rửa xe, dù không được phép của chủ xe, đã lái xe và gây tai nạn. Thiệt hại được xác định là 100 triệu đồng. Câu hỏi của bạn là theo quy định pháp luật, ai chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại?
Về nguyên tắc, theo quy định tại khoản 1, Điều 604 Bộ luật Dân sự 2005 thì “Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”.
Tuy nhiên, vụ việc bạn trình bày có liên quan đến phương tiện giao thông. Do đó, cần xác định phương tiện giao thông trong vụ việc có phải là nguồn nguy hiểm cao độ hay không vì pháp luật có các quy định riêng về trường hợp thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Cụ thể, có các quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra và mục III của Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Để xác định phương tiện giao thông vận tải nào là nguồn nguy hiểm cao độ cần dựa vào các quy định của pháp luật về giao thông. Trong trường hợp này, cần dựa vào khoản 18, Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để xác định xe trong vụ việc này có phải là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ hay không.
Bạn không nói rõ xe của bạn là loại xe gì, là phương tiện giao thông cơ giới hay phương tiện giao thông thô sơ vì loại xe này có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định ai là người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Theo quy định tại khoản 18 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự. Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ gồm xe đạp (kể cả xe đạp máy), xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự.” Bạn căn cứ vào quy định này để xác định loại xe của bạn là loại xe nào để biết xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về ai.
Trong trường hợp xe của bạn không phải là phương tiện giao thông cơ giới thì áp dụng theo quy định chung về bồi thường thiệt hại, theo đó “Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường” (khoản 1, Điều 604 Bộ luật Dân sự 2005). Như vậy, trong trường hợp xe không phải là phương tiện giao thông cơ giới thì người thợ rửa xe là người gây thiệt hại, do đó, có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Trong trường hợp xe của bạn là phương tiện giao thông cơ giới, ví dụ là ô tô, thì trường hợp này thiệt hại được pháp luật xác định là do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
Điều 623 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra như sau:
“1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.
2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.
Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.”
Theo tình tiết bạn mô tả thì thợ rửa xe không được bạn cho phép đã tự ý lái xe (lùi xe) và gây thiệt hại. Vì bạn không nêu chi tiết các sự kiện thực tế nên ở đây có hai trường hợp có thể xảy ra:
Thứ nhất, bạn đã phản đối, đã yêu cầu thợ rửa xe không được sử dụng xe của bạn nhưng thợ rửa xe vẫn tự ý lùi xe (Tuy nhiên, giả sử xe của bạn là xe ô tô hoặc loại xe khác tương tự, tôi chưa rõ thực tế vụ việc trong trường hợp này, làm thế nào để người thợ rửa xe có chìa khóa xe để nổ máy và lùi xe nếu bạn không giao chìa khóa cho người thợ đó thì được ngầm hiểu là bạn đã đồng ý, chứ không phải là phản đối. Trường hợp này tôi sẽ phân tích chi tiết hơn ở phần sau). Trong trường hợp bạn đã phản đối nhưng người thợ rửa xe vẫn cố tình lái xe, chiếc xe của bạn đã bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật và theo quy định tại khoản 4 Điều 623 Bộ luật Dân sự và điểm d, khoản 2, mục III của Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp không có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật (đã tuân thủ các quy định về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật). Nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật (không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ các quy định về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định của pháp luật) thì phải liên đới cùng với người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
Trong trường hợp bạn đã tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định của pháp luật, bạn không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại là người thợ rửa xe đã có hành vi chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật. Tuy nhiên, bạn phải chứng minh chiếc xe đã bị chiếm hữu, sử dụng trái với ý chí của bạn (trái pháp luật) và bạn đã tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng xe.
Trong trường hợp bạn có lỗi trong việc để chiếc xe bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật, bạn và người thợ rửa xe phải liên đới bồi thường thiệt hại. Theo Điều 298 Bộ luật Dân sự 2005, nghĩa vụ dân sự liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Trong trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình.
Như vậy, nếu bạn cũng có lỗi trong việc để cho xe của bạn bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật, bạn và người thợ rửa xe phải liên đới trong việc bồi thường thiệt hại. Bên bị thiệt hại có quyền yêu cầu bạn (hoặc người thợ rửa xe) phải bồi thường thiệt hại toàn bộ.
Thứ hai, dù bạn không cho phép (bằng lời nói) nhưng bạn im lặng hoặc không có hành vi phản đối người thợ rửa xe lái xe của bạn, hoặc có hành vi khác như trao chìa khóa xe cho người thợ rửa xe. Cũng có thể căn cứ vào thông lệ của việc rửa xe (ví dụ, xe ô tô) tại khu vực, địa phương là chủ xe hoặc người lái xe trao chìa khóa xe cho thợ rửa xe để lái vào khu vực rửa xe và khi rửa xe xong thì lái xe ra để trao lại cho khách. Trong trường hợp này, việc không phản đối thợ rửa xe lái xe của bạn vào khu vực rửa xe có thể quy kết được rằng bạn đã đồng ý cho người thợ đó lùi xe của bạn ra khỏi khu vực rửa xe. Hoặc nếu bạn đã trao chìa khóa xe cho người thợ đó thì cũng được hiểu là bạn đồng ý cho người thợ đó lùi xe của bạn ra khỏi khu vực rửa xe. Trong các trường hợp như vậy, bạn đã đồng ý bằng hành vi cụ thể (không nhất thiết phải bằng lời nói rõ ràng) cho người thợ rửa xe lùi xe của bạn ra khỏi khu vực rửa xe.
Theo khoản 2 Điều 623 Bộ luật Dân sự 2005 đã nêu trên, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Để xác định được việc bạn đồng ý cho thợ rửa xe lái xe của bạn có thuộc trường hợp “chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng” nguồn nguy hiểm cao độ hay không, chúng ta cần căn cứ vào Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo đó, tại điểm đ, khoản 2, mục III của Nghị quyết này,
“Nếu chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đã giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác mà gây thiệt hại thì phải xác định trong trường hợp cụ thể đó người được giao nguồn nguy hiểm cao độ có phải là người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ hay không để xác định ai có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Ví dụ: A là chủ sở hữu xe ôtô đã giao xe ôtô đó cho B. B lái xe ôtô tham gia giao thông đã gây ra tai nạn và gây thiệt hại thì cần phải phân biệt:
- Nếu B chỉ được A thuê lái xe ôtô và được trả tiền công, có nghĩa B không phải là người chiếm hữu, sử dụng xe ôtô đó mà A vẫn chiếm hữu, sử dụng; do đó, A phải bồi thường thiệt hại.
- Nếu B được A giao xe ôtô thông qua hợp đồng thuê tài sản, có nghĩa A không còn chiếm hữu, sử dụng xe ôtô đó mà B là người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp; do đó B phải bồi thường thiệt hại. Nếu trong trường hợp này được sự đồng ý của A, B giao xe ôtô cho C thông qua hợp đồng cho thuê lại tài sản, thì C là người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp xe ôtô đó; do đó, C phải bồi thường thiệt hại”.
Trong trường hợp bạn nêu, chủ xe vẫn là người chiếm hữu, sử dụng xe. Việc bạn mang xe đi rửa và giao cho người thợ rửa xe lùi xe ra khỏi khu vực rửa xe không chuyển giao việc chiếm hữu, sử dụng xe cho người thợ rửa xe đó. Do đó, trong trường hợp này, bạn là người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Mặt khác, nếu bạn biết người thợ rửa xe không có giấy phép lái xe (bằng lái) đối với loại xe của bạn thì bạn đã vi phạm nghĩa vụ tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật theo khoản 1 Điều 623 đã nêu. Trong trường hợp này, theo hướng dẫn tại điểm b, khoản 2, mục III Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006, bạn là chủ sở hữu của xe có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Tóm lại, bạn cần căn cứ vào các tình tiết thực tế của vụ việc và căn cứ vào các quy định đã phân tích ở trên để xác định mình có phải bồi thường thiệt hại hay không.
Thư Viện Pháp Luật