Pháp luật có quy định tước quyền làm cha?
Hôn nhân đổ vỡ không chỉ đơn giản là việc cha mẹ chia tay nhau dứt khoát mà điều đáng nói nhất chính là đã gây tổn hại đến quyền lợi của trẻ thơ cũng như sự chăm sóc yêu thương của cả cha lẫn mẹ đối với các cháu. Trường hợp của bạn, tuy người chồng cũ của bạn không thực hiện nghĩa vụ chu cấp tiền cho các cháu cũng như có sự động viên, thăm nom các cháu nhưng theo quy định của pháp luật thì anh ấy vẫn là cha của con bạn, đây là quyền nhân thân không thể bị tước bỏ. Tuy nhiên nếu anh ấy có những cư xử quá đáng với mẹ con bạn thì bạn hoàn toàn có thể yêu cầu tòa án hạn chế quyền của làm cha của anh ấy đối với con của bạn.
Theo quy định của Điều 41 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 thì tuỳ từng trường hợp cụ thể, toà án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ một năm đến năm năm.
Theo quy định tại Điều 42 Luật Hôn nhân gia đình thì người có quyền yêu cầu toà án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên gồm: cha, mẹ, người thân thích của con chưa thành niên, Viện Kiểm sát, Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ, các cá nhân, tổ chức khác …
Như vậy, với tư cách là mẹ, bạn có quyền yêu cầu toà án hạn chế và không cho phép cha cháu bé được quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con trong thời gian từ 1 đến 5 năm nếu như bạn có những căn cứ xác đáng trước tòa.
Theo đó thì thẩm quyền của tòa án giải quyết vụ việc này được quy định tại Điều 28 và Điều 33 Bộ luật Tố tụng dân sự đó là tòa án nhân nhân cấp huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi là tòa cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết vụ việc nêu trên.
Tuy nhiên Luật Hôn nhân và gia đình cũng quy định rất rõ ràng tại Điều 43 là cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên vẫn phải thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng con. Tức là cha cháu bé vẫn phải thực hiện nghĩa vụ chu cấp kinh phí để nuôi dưỡng cháu.
Thư Viện Pháp Luật