Tội phạm về sở hữu
Điều 12 Hiến pháp năm 1992 quy định: "Mọi hành động xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân đều bị xử lý theo pháp luật." Nhân viên quản lý đã lợi dụng uy tín của đơn vị để nhận tiền của đại lý nhưng không giao hàng. Hành vi này là vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Căn cứ theo tính chất hành vi, mức độ thiệt hại, người này có thể bị xử lý hình sự, hành chính hoặc dân sự theo quy định của pháp luật.
- Tùy theo hành vi cụ thể và mức độ thiệt hại do hành vi gây ra, người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1999 và Luật số 37/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bô luật Hình sự như: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139), Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 140), Tội chiếm giữ trái phép tài sản (Điều 141), Tội sử dụng trái phép tài sản (Điều 142)... Nếu phát hiện hành vi vi phạm của nhân viên đó có dấu hiệu tội phạm, anh có thể tố giác với cơ quan có thẩm quyền. Điều 101 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: "Công dân có thể tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan, tổ chức khác. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác.
Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay về tội phạm cho Cơ quan điều tra bằng văn bản."
- Nếu hành vi chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng đã vi phạm pháp luật hành chính, anh có thể tố cáo hành vi vi phạm. Khoản 3 Điều 4 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008 quy định: “Công dân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố cáo mọi hành vi vi phạm hành chính và hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính.” Nếu có đủ căn cứ, nhân viên đó có thể bị áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn. Những người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính được quy định tại Chương IV Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Thư Viện Pháp Luật