Trách nhiệm thu tiền của chấp hành viên
Theo quy định thì Chấp hành viên thực hiện các công việc thu tiền quy định tại các Điều 79, 80, 81 Luật Thi hành án dân sự 2008 như sau:
“Điều 79. Thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án
1. Trường hợp người phải thi hành án có thu nhập từ hoạt động kinh doanh thì Chấp hành viên ra quyết định thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người đó để thi hành án.
Khi thu tiền, Chấp hành viên phải để lại số tiền tối thiểu cho hoạt động kinh doanh và sinh hoạt của người phải thi hành án và gia đình.
2. Chấp hành viên cấp biên lai thu tiền cho người phải thi hành án.
Điều 80. Thu tiền của người phải thi hành án đang giữ
Trường hợp phát hiện người phải thi hành án đang giữ tiền mà có căn cứ xác định khoản tiền đó là của người phải thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định thu tiền để thi hành án. Chấp hành viên lập biên bản thu tiền và cấp biên lai cho người phải thi hành án. Trường hợp người phải thi hành án không ký vào biên bản thì phải có chữ ký của người làm chứng.
Điều 81. Thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ
Trường hợp phát hiện người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định thu khoản tiền đó để thi hành án. Người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án có nghĩa vụ giao nộp tiền cho Chấp hành viên để thi hành án. Chấp hành viên lập biên bản thu tiền, cấp biên lai cho người thứ ba đang giữ tiền và thông báo cho người phải thi hành án. Trường hợp người thứ ba đang giữ tiền không ký vào biên bản thì phải có chữ ký của người làm chứng.”
Như vậy, những công việc như bạn nêu thuộc thẩm quyền của Chấp hành viên. Tuy nhiên, trong thực tế để hỗ trợ cho chấp hành viên làm nhiệm vụ thì những cán bộ chưa được bỗ nhiệm Chấp hành viên có thể, hỗ trợ, giúp đỡ Chấp hành viên trong việc thực hiện các quy định chúng tôi đã nêu ở trên. Việc ký biên bản, biên lai… thuộc trách nhiệm Chấp hành viên thực hiện.
Thư Viện Pháp Luật