Sau khi làm hợp đồng tặng cho có quyền đòi lại tài sản hay không?
Theo trình bày của bạn thì tôi thấy rằng, vợ chồng bác của bạn và anh L có giao kết một hợp đồng tặng cho tài sản theo đó, vợ chồng bác của bạn tặng cho anh L nhà và đất. Hợp đồng đã được công chứng. Việc tặng cho là có điều kiện theo đó anh L có nghĩa vụ phụng dưỡng bố mẹ và sau này chăm lo mồ mả tổ tiên. Sau này giữa hai bên phát sinh mâu thuẫn căng thẳng và vợ chồng bác của bạn làm đơn kiện đòi lại nhà đất đã tặng cho anh L. Bạn có hỏi là việc đòi lại nhà của bác là đúng hay sai, cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết và theo pháp luật hiện hành thì vụ việc được giải quyết như thế nào. Về vấn đề này tôi xin trả lời như sau:
Việc tặng cho giữa hai vợ chồng bác của bạn và anh L được thực hiện bằng hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và nhà ở trên đất. Hợp đồng này được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật về dân sự từ Điều 465 đến Điều 470 Bộ luật Dân sự 2005 và các quy định pháp luật về đất đai, nhà ở.
Theo bạn mô tả thì việc tặng cho giữa vợ chồng bác của bạn và anh L là có điều kiện, theo đó, vợ chồng anh L phải có nghĩa vụ phụng dưỡng bố mẹ già và sau này chăm lo mồ mả tổ tiên. Điều 470 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về tặng cho có điều kiện như sau:
1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ dân sự trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
2. Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.
3. Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Nghĩa vụ phụng dưỡng, chăm sóc bố mẹ và chăm lo mồ mả tổ tiên là nghĩa vụ không trái pháp luật và đạo đức xã hội. Nghĩa vụ này cũng được pháp luật về hôn nhân và gia đình quy định. Cụ thể, tại Luật Hôn nhân và gia đình 2000 có các quy định như sau:
Điều 35 quy định về nghĩa vụ và quyền của con như sau: Con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ, lắng nghe những lời khuyên bảo đúng đắn của cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình; Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Nghiêm cấm con có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm cha mẹ.
Khoản 2 Điều 36 quy định con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ ốm đau, già yếu, tàn tật.
Về nghĩa vụ chăm sóc mồ mả tổ tiên, nghĩa vụ này là nghĩa vụ phù hợp với đạo đức xã hội, phù hợp với truyền thống của dân tộc.
Từ đó có thể khẳng định điều kiện tặng cho trong vụ việc này là không trái với pháp luật và đạo đức xã hội.
Việc thực hiện nghĩa vụ là điều kiện tặng cho trong vụ việc này thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 470 Bộ luật Dân sự 2005. Cụ thể, sau khi tặng cho nếu bên được tặng cho không thực hiện nghĩa vụ là điều kiện tặng cho thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Như vậy, nếu anh L không thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng bố mẹ hoặc không chăm lo mồ mả tổ tiên thì vợ chồng bác của bạn có quyền đòi lại tài sản là nhà và quyền sử dụng đất.
Vì tranh chấp này là tranh chấp liên quan đến việc thực hiện hợp đồng tặng cho tài sản là bất động sản (là quyền sử dụng đất và nhà mà vợ chồng bác của bạn đã tặng cho anh L), để thực hiện việc đòi lại tài sản, vợ chồng bác của bạn cần làm đơn khởi kiện tại tòa án nhân dân có thẩm quyền. Theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và điểm c, khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 thì tòa án nhân dân cấp huyện nơi có nhà và đất đã tặng cho anh L là tòa án có thẩm quyền xét xử vụ tranh chấp này.
Trong trường hợp vợ chồng bác của bạn khởi kiện đòi lại tài sản, theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004, vợ chồng bác của bạn có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đòi lại tài sản. Cụ thể:
- Vợ chồng bác của bạn phải chuẩn bị các chứng cứ để chứng minh về điều kiện tặng cho như bản hợp đồng tặng cho có quy định điều kiện tặng cho. Trong trường hợp hợp đồng tặng cho không có quy định về điều kiện tặng cho thì cần có các chứng cứ khác bao gồm các văn bản, giấy tờ khác có thể hiện về điều kiện tặng cho, người làm chứng hoặc các chứng cứ khác chứng minh được là việc tặng cho quyền sử dụng đất và nhà cho anh L là có điều kiện đó.
- Vợ chồng bác của bạn cũng phải chuẩn bị các chứng cứ, bao gồm cả người làm chứng, để chứng minh anh L đã vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc bố mẹ và/hoặc không chăm lo mồ mả tổ tiên.
Theo trình bày của bạn thì giữa hai bên phát sinh mâu thuẫn căng thẳng. Tuy nhiên, mâu thuẫn căng thẳng giữa hai bên không đồng nghĩa với việc khẳng định chắc chắn rằng anh L vi phạm nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng bố mẹ hoặc vi phạm nghĩa vụ chăm lo mồ mả tổ tiên. Việc xác định anh L vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc bố mẹ, nghĩa vụ chăm lo mồ mả tổ tiên cần dựa vào những hành vi cụ thể của anh L. Trong trường hợp khởi kiện tại tòa án nhân dân có thẩm quyền, tòa án sẽ tiến hành hòa giải giữa hai bên. Trong trường hợp hòa giải không thành, tòa án sẽ đưa vụ việc ra xét xử. Tòa án sẽ căn cứ vào các sự kiện thực tế và các quy định của pháp luật để phán quyết là anh L có vi phạm nghĩa vụ là điều kiện để tặng cho hay không, trên cơ sở đó, tòa án sẽ phán quyết cụ thể anh L có phải trả lại cho vợ chồng bác của bạn đất (quyền sử dụng đất) và nhà hay không. Trường hợp anh L phải trả lại quyền sử dụng đất và nhà, vì ngôi nhà, sau khi được tặng cho đã được anh L phá dỡ để xây nhà mới, tòa án sẽ căn cứ tình hình thực tế để phán quyết một cách hợp lý và hợp pháp về nghĩa vụ của các bên, phương thức hoàn trả cụ thể.
Thư Viện Pháp Luật