Niêm yết thông báo khai nhận di sản thừa kế. Độ tuổi được nhận chuyển nhượng đất và đứng tên trên Giấy chứng nhận
1. Công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế.
Bộ luật Dân sự 2005 quy định tại Điều 681 như sau: Sau khi thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thỏa thuận: cử người quản lý di sản, người phân chia di sản; cách thức phân chia di sản; Mọi thỏa thuận của những người thừa kế phải được lập thành Văn bản. Việc khai nhận và phân chia di sản thừa kế, tùy trường hợp cụ thể có thể bắt buộc phải công chứng (di sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, ô tô và các tài sản phải đăng ký quyền sở hữu/ quyền sử dụng khác …) hoặc không bắt buộc công chứng (những người thừa kế vẫn có thể yêu cầu công chứng theo quy định của pháp luật nếu muốn).
Trình tự, thủ tục công chứng Văn bản khai nhận di sản thừa kế được thực hiện theo quy định của Luật Công chứng 2006 (hướng dẫn cụ thể tại Điều 49 và Điều 50) và các văn bản hướng dẫn. Theo đó, những người thừa kế có quyền yêu cầu công chứng Văn bản thỏa thuận phân chia di sản (trong trường hợp những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ di sản được hưởng của từng người); yêu cầu công chứng Văn bản khai nhận di sản (trong trường hợp chỉ có duy nhất một người thừa kế hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó). Người yêu cầu công chứng phải nộp một bộ hồ sơ yêu cầu công chứng, bao gồm: Phiếu yêu cầu công chứng (theo mẫu), dự thảo văn bản thừa kế (nếu có), bản sao giấy tờ tùy thân, bản sao giấy tờ chứng minh quyền sở hữu/ quyền sử dụng tài sản, bản sao các giấy tờ có liên quan như: Giấy chứng tử của người để lại di sản, giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản (Giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn …), di chúc (nếu có). Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ với quy định của pháp luật thì Công chứng viên thụ lý, ghi vào sổ công chứng. Việc khai nhận và thỏa thuận phân chia di sản thừa kế phải được niêm yết. Việc niêm yết do cơ quan Công chứng thực hiện tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã), nơi thường trú trước đây của người để lại di sản; trong trường hợp không có nơi thường trú thì niêm yết tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tạm trú của người đó. Trường hợp không xác định được cả hai nơi trên thì niêm yết tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi có bất động sản. Cơ quan công chứng phải cử người trực tiếp niêm yết, có sự chứng kiến của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã. Nội dung niêm yết nêu rõ: họ, tên người để lại di sản; họ, tên của những người thoả thuận hoặc người khai nhận và quan hệ với người để lại di sản; danh mục di sản được thoả thuận phân chia hoặc được khai nhận; cuối bản niêm yết phải ghi rõ nếu có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót người được hưởng di sản, bỏ sót di sản, di sản không thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người để lại di sản, thì khiếu nại, tố cáo đó được gửi cho cơ quan thực hiện công chứng.
Theo quy định tại Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực và Thông tư số 03/2001/TP-CC của Bộ tư pháp hướng dẫn Nghị định số 75/2000/NĐ-CP thì thời hạn niêm yết thông báo khai nhận di sản thừa kế và thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là 30 ngày; Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm bảo quản việc niêm yết trong thời gian trên. Thời hạn 30 ngày niêm yết không được tính vào thời hạn công chứng quy định tại Điều 38 Luật công chứng.
2. Về việc bạn hỏi 17 tuổi có được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không, chúng tôi xin trả lời bạn như sau:
Đây là vấn đề năng lực hành vi dân sự của cá nhân, tức là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Bộ luật Dân sự 2005 quy định: người tử đủ 18 (mười tám) tuổi trở lên là người thành niên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Người chưa thành niên từ đủ 6 (sáu) tuổi đến chưa đủ 18 (mười tám) tuổi theo quy định tại Điều 20 Bộ luật Dân sự khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác (ví dụ như trường hợp: các thành viên trong hộ gia đình từ đủ 15 (mười lăm) tuổi trở lên đều có quyền định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình theo quy định tại Điều 109 Bộ luật Dân sự 2005; Con từ đủ 15 (mười lăm) tuổi đến dưới 18 (mười tám) tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng; nếu định đoạt tài sản có giá trị lớn hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý của cha mẹ theo quy định tại Điều 46 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000). Trong trường hợp người từ đủ 15 (mười lăm) tuổi đến chưa đủ 18 (mười tám) tuổi có tài riêng để đảm bảo các nghĩa vụ thì có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Như vậy, khi bạn 17 (mười bảy) tuổi thì bạn có quyền tự mình thực hiện giao dịch dân sự mà không cần có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên đối với trường hợp như bạn hỏi là nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (theo quy định của Luật đất đai và văn bản hướng dẫn thì thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải lập thành văn bản và có công chứng) thì ngoài việc tuân thủ quy định chung thì bạn còn phải đáp ứng điều kiện quy định của Luật công chứng 2006. Điều 8 Luật công chứng quy định: người yêu cầu công chứng phải có năng lực hành vi dân sự, xuất trình đầy đủ các giấy tờ cần thiết liên quan đến việc công chứng và chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp của giấy tờ đó.
Đối chiếu với quy định trên thì khi bạn 17 (mười bảy) tuổi tức là chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì khi làm thủ tục nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có sự đồng ý của người đại diện. Người đại diện theo pháp luật của bạn là cha, mẹ bạn. Trường hợp không còn cha mẹ, không xác định được cha mẹ hoặc cha mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Tòa án hạn chế quyền của cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha mẹ có yêu cầu thì người đại diện của bạn là người giám hộ. Người giám hộ gồm người giám hộ cử và người giám hộ đương nhiên (cụ thể: trong trường hợp anh ruột, chị ruột không có thỏa thuận khác thì anh cả hoặc chị cả là người giám hộ cyar em chưa thành niên; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh, chị tiếp theo là người giám hộ; trong trường hợp không có anh ruột, chị ruột hoặc anh ruột, chị ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ; nếu không có ai trong số những người thân thích này có đủ điều kiện làm người giám hộ thì bác, chú, cô, cậu, dì là người giám hộ).
Sau khi làm thủ tục nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì bạn nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện nơi có đất để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bạn. Điều 43 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 19/10/2004 hướng dẫn Luật Đất đai đã nêu rõ: đối với cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân nước ngoài sử dụng đất thì ghi họ, tên cá nhân đó. Do vậy, bạn đương nhiên được ghi tên bạn trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cơ quan Nhà nước có thâm quyền cấp cho bạn
Thư Viện Pháp Luật