Mô hình văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh
1. Cùng với Phòng công chứng, Văn phòng công chứng là một trong hai hình thức hành nghề công chứng ra đời và hoạt động theo Luật công chứng 2006 với chức năng công chứng hợp đồng, giao dịch bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng. Văn phòng công chứng thành lập và hoạt động theo hai mô hình: (i) Loại hình doanh nghiệp tư nhân do một công chứng viên thành lập; (ii) Loại hình công ty hợp danh do hai công chứng viên trở lên thành lập.
Để chuyển đổi văn phòng công chứng hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân sang công ty hợp danh bạn phải gửi hồ sơ đến Sở tư pháp nơi đăng ký hoạt động. Hồ sơ gồm: Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng (theo mẫu); Bản chính giấy đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng; Quyết định bổ nhiệm Công chứng viên; Thẻ công chứng viên (nếu có) của công chứng viên; Các giấy tờ khác theo quy định. Số lượng hồ sơ là một bộ.
Đây không phải trường hợp thay đổi trụ sở hoặc tên gọi nên văn phòng công chứng không phải xin cấp lại Giấy đăng ký hoạt động kinh doanh và không phải đăng báo theo quy định tại Điều 30 Luật Công chứng.
2. Thông tư số 11/2011/TT-BTP ngày 27/6/2011 của Bộ Tư pháp hướng dẫn hoạt động công chứng quy định: Tổ chức hành nghề công chứng không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch khác ngoài trụ sở tổ chức hành nghề công chứng.
Như vậy, văn phòng công chứng hoạt động theo mô hình công ty hợp danh cũng không được phép mở chi nhánh.
Thư Viện Pháp Luật