Trường hợp bắt buộc đấu giá và mức phí bán đấu giá?
Bạn không nói rõ tài sản thuộc diện thanh lý thuộc sở hữu của cơ quan tổ chức nào nên chúng tôi trả lời như sau:
1. Nếu tài sản thuộc sở hữu của những tổ chức không sử dụng vốn của nhà nước thì việc thanh lý tài sản tuân thủ Điều lệ, nội quy, quy chế của tổ chức đó.
2. Nếu tài sản thanh lý thuộc sở hữu của cơ quan nhà nước thì theo Điều 22, 23 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, những trường hợp được thanh lý, bán tài sản bao gồm:
a) Tài sản hết hạn sử dụng;
b) Tài sản bị hư hỏng không thể sử dụng được hoặc việc sửa chữa không có hiệu quả;
c) Không còn nhu cầu sử dụng hoặc việc sử dụng không có hiệu quả, trừ trường hợp tài sản không được bán theo quy định của pháp luật;
d) Trụ sở làm việc hoặc tài sản khác gắn liền với đất phải phá dỡ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
e) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Việc bán tài sản nhà nước được thực hiện công khai, theo cơ chế thị trường.
Nghị định17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản cũng không quy định cụ thể là tài sản còn giá trị bao nhiêu % thì buộc phải đấu giá.
Chính vì vậy việc xem xét tài sản thuộc diện thanh lý có phải bán đấu giá hay không thuộc quyết định của cơ quan có thẩm quyền quyết định bán, thanh lý tài sản.
Tuy vậy dù thanh lý, bán tài sản bằng cách này thì Quyết định thanh lý, bán tài sản nhà nước cũng phải công khai theo quy định pháp luật (Quyết định 115/2008/QĐ-TTg).
Thư Viện Pháp Luật