Vướng mắc về thủ tục nhận nuôi con nuôi
Câu hỏi của bạn liên quan đến một số vấn đề, chúng tôi xin trả lời như sau:
Thứ nhất, về vấn đề thỏa thuận cho và nhận con nuôi: Tại Điều 26 của Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định việc cho và nhận con nuôi phải do chính cha, mẹ đẻ và người nhận con nuôi lập, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đẻ của trẻ đã ly hôn. Tuy nhiên quy định này hiện nay đã được thay thế bằng Luật Nuôi con nuôi năm 2010. Theo quy định tại Điều 20 và Điều 21 Luật Nuôi con nuôi 2010 thì việc lấy ý kiến của những người liên quan về sự đồng ý cho làm con nuôi được thực hiện bởi cán bộ Tư pháp – hộ tịch theo biểu mẫu TP/CN-2011/CN.07.a tại Thông tư 12/2011/TT-BTP ngày 27/6/2011.
Như vậy, việc lấy ý kiến của những người có liên quan về sự đồng ý cho trẻ làm con nuôi là trách nhiệm của UBND cấp xã, cụ thể là cán bộ Tư pháp – hộ tịch nơi bạn nộp hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi.
Thứ hai, về trường hợp quyền của bố mẹ trẻ đã ly hôn, mẹ đẻ của trẻ cho rằng, chị không thể liên lạc được với người cha đẻ của trẻ; đồng thời quyền nuôi con thuộc về chị nên chị có quyền cho con mình làm con nuôi mà không cần có sự đồng ý của người bố đẻ.
Theo quy định tại Điều 92, Điều 94 của Luật Hôn nhân và gia đình 2000 thì sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có đầy đủ quyền và nghĩa vụ với con của mình cho dù đứa trẻ được giao cho người cha hoặc người mẹ chăm sóc. Như vậy, trong trường mà bạn đề cập đến, việc người mẹ cho rằng quyền nuôi con thuộc về chị khi ly hôn nên chị có quyền cho con mình làm con nuôi mà không cần sự đồng ý của người bố đẻ là trái với quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.
Mặt khác, theo quy định tại Luật Nuôi con nuôi 2010 và Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Nuôi con nuôi thì nếu trẻ được nhận làm con nuôi có cha mẹ đẻ thì cán bộ Tư pháp – hộ tịch được phân công phải tiến hành lấy ý kiến của cả cha mẹ đẻ về việc cho trẻ làm con nuôi.
Về nguyên tắc, nếu bố, mẹ trẻ không thể hiện sự đồng ý cho con làm con nuôi thì việc đăng ký con nuôi không thể thực hiện được.
Trong trường hợp người mẹ đẻ của trẻ không liên hệ được với người bố đẻ của trẻ thì người mẹ cần gửi đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh nơi cư trú của bố đẻ của con mình để trên cơ sở đó tiến hành thủ tục láy ý kiến đồng ý của người bố về việc cho trẻ em làm con nuôi.
Trường hợp không thể tìm được nơi cú trú của bố đẻ của trẻ em, người mẹ đẻ phải đề nghị Tòa án nhân dân làm thủ tục tuyên bố bố đẻ của trẻ em mất tích, hoặc đã chết. Sau khi có quyết định có hiệu lực của Tòa án có thẩm quyền tuyên bố đẻ của trẻ em mất tích hoặc đã chết, cán bộ Tư pháp – hộ tich được phân công có thể làm thủ tục cho trẻ em làm con nuôi mà không cần phải xin ý kiến đồng ý của bố đẻ của trẻ em.
Thứ ba, về vấn đề đổi họ tên cho người được nhận nuôi:
Theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 27, Bộ luật dân sự 2005: cha, mẹ nuôi nhận con nuôi và việc nhận con nuôi đó được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục mà pháp luật về con nuôi quy định thì có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ tên cho con nuôi.
Việc thay đổi họ, tên của con đẻ sang họ, tên của cha mẹ nuôi sẽ được xem xét, giải quyết theo các quy định của khoản 3 Điều 10 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP và các quy định pháp luật về quản lý và đăng ký hộ tịch có liên quan.
Thứ tư, về điều kiện nhận con nuôi:
Tại Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010 có quy định một trong số các điều kiện được đặt ra là người nhận con nuôi “phải có điều kiện kinh tế, chỗ ở đảm bảo việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi”.
Như vậy, nếu cán bộ Tư pháp – hộ tịch xác minh được người nhận nuôi trẻ không có việc làm ổn định, không đáp ứng được điều kiện để nuôi con nuôi thì cán bộ Tư pháp – hộ tịch sẽ từ chối việc đăng ký nuôi con nuôi và thông báo cho người nhận con nuôi được biết theo quy định của pháp luật.
Thư Viện Pháp Luật