Bản án tuyên liên đới thì có thể xử lý tài sản đứng tên chồng để thi hành án
Do bạn không nêu rõ nội dung phần quyết định của bản án tuyên cụ thể như thế nào nên chúng tôi khó định chính xác nghĩa vụ thi hành án của vợ chồng. Tuy nhiên, theo bạn nêu, bản án của Toà án ghi tên một mình người vợ còn người chồng thì liên đới chịu trách nhiệm, như vậy thì người vợ phải trả nợ tiền cho mẹ bạn, người chồng liên đới cùng vợ chịu trách nhiệm đối với khoản nợ này, do đó tài sản đứng tên người chồng thì vẫn có thể thi hành án. Bởi vì:
Thứ nhất, theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 của Chính phủ thì các tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng khi đăng ký quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ và chồng theo quy định tại khoản 2 Điều 27 của Luật Hôn nhân và gia đình bao gồm: nhà ở, quyền sử dụng đất và những tài sản khác mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu. Việc đăng ký các tài sản, quyền tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng phải ghi tên của cả vợ và chồng được thực hiện kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực. Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng đã đăng ký quyền sở hữu trước ngày Nghị định này có hiệu lực mà chỉ ghi tên của một bên vợ hoặc chồng, thì vợ chồng có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp lại giấy tờ đăng ký quyền sở hữu tài sản đó để ghi tên của cả vợ và chồng; nếu vợ chồng không yêu cầu cấp lại giấy tờ đăng ký quyền sở hữu tài sản, thì tài sản đó vẫn thuộc sở hữu chung của vợ chồng; nếu có tranh chấp, bên nào cho đó là tài sản thuộc sở hữu riêng của mình, thì có nghĩa vụ chứng minh.
Tại Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn: Khoản 2 Điều 27 Luật Hôn nhân và Giá đình quy định "Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ và chồng". Thực tiễn cho thấy chỉ có tài sản rất lớn, rất quan trọng đối với đời sống gia đình thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu mới ghi tên của cả vợ chồng (như: nhà ở, quyền sử dụng đất...), song cũng không phải trong mọi trường hợp. Đối với các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng trong giấy chứng nhận thường chỉ ghi tên của vợ hoặc chồng (như: xe môtô, xe ôtô, tàu, thuyền vận tải...). Mặt khác, khoản 1 Điều 32 đã quy định cụ thể về tài sản riêng của vợ chồng. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên, trong trường hợp tài sản do vợ, chồng có được trong thời kỳ hôn nhân mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng trong giấy chứng nhận quyền sở hữu chỉ ghi tên của vợ hoặc chồng, nếu không có tranh chấp thì đó là tài sản chung của vợ chồng; nếu có tranh chấp là tài sản riêng thì người có tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải chứng minh được tài sản này do được thừa kế riêng, được tặng riêng trong thời kỳ hôn nhân hoặc tài sản này có được từ nguồn tài sản riêng quy định tại khoản 1 Điều 32 (ví dụ: được thừa kế riêng một khoản tiền và dùng khoản tiền này mua cho bản thân một chiếc xe môtô mà không nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng). Trong trường hợp không chứng minh được tài sản đang có tranh chấp này là tài sản riêng thì theo quy định tại khoản 3 Điều 27 tài sản đó là tài sản chung của vợ chồng.
Như vậy, mặc dù tài sản đứng tên chồng nhưng có thể đó là tài sản chung của vợ chồng, nên có thể xác định phần tài sản của vợ trong khối tài sản chung đó.
Thứ hai, bản án đã tuyên trách nhiệm liên đới của vợ chồng, thì vợ chồng phải liên đới chịu trách nhiệm, nếu vợ không có tài sản và chồng có tài sản thì chồng phải chịu trách nhiệm thi hành án đối với nghãi vụ liên đới của hai vợ chồng theo quy định tại Điều 298 Bộ luật dân sự năm 2005 về thực hiện nghĩa vụ dân sự liên đới. Théo đó, nghĩa vụ dân sự liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Trong trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình.
Vì thế, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự có thể kê biên, xử lý tài sản đứng tên cho chồng để thi hành nghĩa vụ liên đới của vợ chồng theo quyết định của bản án mà pháp luật về thi hành án dân sự đã quy định.
Do vậy, mẹ bạn cần đề nghị cơ quan thi hành án xem xét lại vụ việc để thực hiện việc thi hành án đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi của người được thi hành án.
Thư Viện Pháp Luật