Việc chứng thực di chúc
Tại thời điểm ông bà bạn lập di chúc là năm 2001, do đó chúng tôi viện dẫn một số quy định của pháp luật liên quan được áp dụng vào thời điểm đó để bạn tham khảo như sau:
Thứ nhất, theo Điều 649, Bộ luật Dân sự 1995 thì “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.”
Như vậy ông bà bạn chỉ có thể lập di chúc để lại tài sản hợp pháp của mình.
Thứ hai, theo quy định tại khoản 3, Điều 7, Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực thì:
“Người yêu cầu công chứng, chứng thực phải xuất trình đủ các giấy tờ cần thiết liên quan đến việc công chứng, chứng thực và phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của giấy tờ đó; trong trường hợp yêu cầu công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch, thì người yêu cầu công chứng, chứng thực còn phải bảo đảm sự trung thực của mình trong việc giao kết hợp đồng, xác lập giao dịch, không được lừa dối.”
Đối với trường hợp của bạn, khi ông bà bạn chứng thực di chúc để lại tài sản là quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất thì phải có các giấy tờ liên quan như: Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao các giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng.
Như vậy, bạn có thể đối chiếu với nội dung các quy định chúng tôi viện dẫn ở trên để giải đáp thắc mắc cụ thể của mình.
Thư Viện Pháp Luật