Tài sản là đối tượng của Thi hành án dân sự có được dùng để bảo lãnh không?
Chúng tôi không thấy có Thông tư liên tịch số 12 của Bộ tư pháp và Tòa án Nhân dân tối cao như anh nói mà chỉ có Thông tư liên tịch số 12/2001/TTLT-BTP-VKSTC của Bộ tư pháp và Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao. Tuy nhiên tại Thông tư này có quy định về các trường hợp được coi là không đủ điều kiện thi hành án chứ cũng không có quy định nào như anh trình bày.
Cụ thể tại điều 2 mục I Thông tư liên tịch này quy định “Những trường hợp sau được xác định là việc chưa có điều kiện thi hành án:
a. Người phải thi hành án không có tài sản, thu nhập hợp pháp để thi hành án;
b. Người phải thi hành có tài sản nhưng có giá trị nhỏ không đáng kể để thi hành án;
c. Người phải thi hành án chỉ có tài sản đã bị kê biên, phát mại nhưng không bán được, mà người được thi hành án không đồng ý nhận để thi hành án và người phải thi hành án không còn tài sản có giá trị nào khác;…”
Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì người được thi hành án, người phải thi hành án căn cứ vào bản án, quyết định có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án (điều 7); Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án (điều 30).
Điều 66, 68 Luật Thi hành án dân sự 2008 cũng quy định các biện pháp bảo đảm thi hành án bao gồm: Phong toả tài khoản; Tạm giữ tài sản, giấy tờ; Tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản. Trường hợp cần ngăn chặn hoặc phát hiện đương sự có hành vi chuyển quyền sở hữu, sử dụng, tẩu tán, huỷ hoại, thay đổi hiện trạng tài sản, Chấp hành viên ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của người phải thi hành án và gửi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đó.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định, Chấp hành viên thực hiện việc kê biên tài sản hoặc chấm dứt việc tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản.
Như vậy khi có bản án có hiệu lực pháp luật Công ty anh có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án tổ chức thi hành bản án trên và nếu thấy có căn cứ cho rằng đương sự có hành vi tẩu tán tài sản thì Công ty anh có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp đảm bảo thi hành án nêu trên. Nếu Công ty anh không yêu cầu thì Cơ quan thi hành án không có căn cứ để giải quyết và khi chưa áp dụng biện pháp đảm bảo thi hành án thì người bị thi hành án vẫn có quyền thực hiện các quyền đối với tài sản của mình.
Thư Viện Pháp Luật