Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Tư pháp trong quản lý nhà nước về hộ tịch

Tôi là người dân ở một thành phố lớn. Ở thành phố nơi tôi sinh sống, các việc về hộ tịch từ khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký việc nuôi con nuôi, thay đổi, cải chính hộ tịch… rất nhiều. Công việc này ở địa phương tôi được biết do Ủy ban nhân dân các cấp đảm nhiệm mà tham mưu, giúp việc cho Ủy ban nhân dân thực hiện công việc này là cơ quan tư pháp. Tôi xin hỏi, ở trung ương Bộ Tư pháp có nhiệm vụ và quyền hạn gì trong quản lý nhà nước về hộ tịch?

Quản lý nhà nước về hộ tịch được pháp luật quy định là nhiệm vụ của Bộ Tư pháp; Bộ Ngoại giao, Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam; Uỷ ban nhân dân các cấp ở địa phương với cơ quan tham mưu, giúp việc cho Ủy ban nhân dân là cơ quan tư pháp.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp trong quản lý nhà nước về hộ tịch được quy định tại Điều 75 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch, cụ thể là: Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về hộ tịch trong phạm vi cả nước, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Soạn thảo, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch;

2. Hướng dẫn, chỉ đạo chung việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch;

3. Ban hành, hướng dẫn việc sử dụng thống nhất các loại sổ hộ tịch, biểu mẫu hộ tịch;

4. Kiểm tra, thanh tra việc đăng ký và quản lý hộ tịch;

5. Tổng hợp tình hình và số liệu thống kê hộ tịch báo cáo Chính phủ theo định kỳ hàng năm;

6. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về hộ tịch theo thẩm quyền;

7. Nghiên cứu việc áp dụng công nghệ tin học trong đăng ký, quản lý hộ tịch;

8. Hợp tác quốc tế về hộ tịch.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Hộ tịch

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào