Ban hành nghị quyết về xử phạt hành chính đối với hành vi không đăng ký kết hôn
Việc xác định một hành vi vi phạm pháp luật có phải là vi phạm hành chính hay không? áp dụng hình thức xử phạt như thế nào? Chức danh nào có thẩm quyền xử phạt... phải căn cứ vào các văn bản chứa đựng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước do Chính phủ ban hành.
Theo Khoản 1 Điều 17 Nghị định 87/2001/NĐ-CP (về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hôn nhân gia đình) thì Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền phạt tiền đến 200.000 đồng.
Nhưng tại Điều 9 Nghị định 87/2001/NĐ-CP và Điều 13 Nghị định số 76/2006/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp) đều không quy định hành vi không đăng ký kết hôn là vi phạm hành chính.
Như vậy, ý định của ông Khoát -Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thị trấn về việc đề nghị Hội đồng nhân dân xã ban hành nghị quyết về việc cho phép Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã được xử phạt hành chính đối với hành vi không đăng ký kết hôn là không thực hiện được vì không phù hợp với quy định của pháp luật về thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp xã và việc xử phạt đối với hành vi không đăng ký kết hôn là không hợp lý.
Trong tình huống này, để nâng cao hiệu quả quản lý hộ tịch ở địa phương, hạn chế ảnh hưởng của phong tục, tập quán đối với đồng bào dân tộc thiểu số, Uỷ ban nhân dân xã cần kiên trì thực hiện các biện pháp như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường công tác vận động chấp hành pháp luật; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng dân cư để vận động người dân thực hiện việc đăng ký hộ tịch chứ không nên lạm dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Thư Viện Pháp Luật