Xác minh nguồn gốc trẻ bị bỏ rơi để đăng ký nuôi con nuôi
Trong tình huống nói trên, vợ chồng anh Tráng nhận trẻ bị bỏ rơi làm con nuôi, tuy nhiên việc xác lập quan hệ nuôi con nuôi giữa vợ chồng anh Tráng và cháu bé trong trường hợp này có tính chất phức tạp như sau:
- Nguồn gốc trẻ chưa được xác định rõ. Theo trình bày của anh Tráng thì cháu bé là do bà Thoàn, người cùng thôn với anh Tráng xin được tại một ngôi chùa ở Lạng Sơn trong khi đó lại không có biên bản xác nhận tình trạng trẻ bị bỏ rơi của cơ quan chức năng tại thị trấn K, nơi cháu bé bị bỏ rơi. Do vậy, việc xác minh làm rõ nguồn gốc của trẻ để khẳng định xem có đúng cháu bé là trẻ bị bỏ rơi hay không có ý nghĩa hết sức quan trọng làm căn cứ để giải quyết vụ việc;
- Vợ chồng anh Tráng nhận được cháu bé từ bà Thoàn là người không có thẩm quyền giao trẻ làm con nuôi. Do vậy, vợ chồng anh Tráng chỉ được coi là người đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ.
- Cháu bé bị bỏ rơi tại thị trấn K, do đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP thì Uỷ ban nhân dân xã X, nơi vợ chồng anh Tráng cư trú không phải là cơ quan có thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi. Thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi trong trường hợp này sẽ do Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ bị bỏ rơi thực hiện.
Trong trường hợp này, để có thể xem xét, giải quyết việc đăng ký nuôi con nuôi, vấn đề mấu chốt là cần phải có biên bản xác nhận tình trạng trẻ bị bỏ rơi. Với tính chất phức tạp về nguồn gốc của trẻ như phân tích trên đây, để thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về hộ tịch, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã X, nơi anh Tráng cư trú cần thực hiện các việc sau:
- Giải thích cho anh Tráng hiểu rõ là cơ quan đăng ký hộ tịch không thể xem xét, giải quyết việc đăng ký nuôi con nuôi theo yêu cầu của vợ chồng anh khi không có biên bản xác nhận tình trạng trẻ bị bỏ rơi để chứng minh về nguồn gốc trẻ. Từ đó hướng dẫn anh Tráng phải cùng bà Thoàn mang cháu bé và Giấy chứng sinh mà mẹ cháu để lại đến Uỷ ban nhân dân thị trấn K, nơi trước đây cháu bị bỏ rơi để lập biên bản trẻ bị bỏ rơi và thực hiện việc thông báo tìm cha mẹ đẻ của cháu theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP.
Uỷ ban nhân dân thị trấn K là cơ quan có trách nhiệm lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ bị bỏ rơi, đồng thời cũng là cơ quan có thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi nếu anh Tráng vẫn có nguyện vọng nhận cháu bé làm con nuôi. Do đó, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã X cũng cần hướng dẫn anh Tráng chuẩn bị các giấy tờ cần thiết để có thể nộp hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi tại Uỷ ban nhân dân thị trấn K theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP. Trong trường hợp này, khi làm thủ tục đăng ký nuôi con nuôi thì Giấy thoả thuận về việc cho và nhận con nuôi của vợ chồng anh Tráng cần có xác nhận của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã X, nơi vợ chồng anh Tráng cư trú về đạo đức, tư cách, hoàn cảnh kinh tế và điều kiện nuôi con nuôi của anh chị.
- Cùng với việc hướng dẫn và yêu cầu vợ chồng anh Tráng thực hiện các việc trên, với trách nhiệm quản lý nhà nước, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã X cũng cần gửi Công văn cho Uỷ ban nhân dân thị trấn K để thông báo sự việc trẻ bị bỏ rơi và đề nghị cơ quan này phối hợp, tiếp nhận giải quyết theo thẩm quyền.
Thư Viện Pháp Luật