Việc đăng ký khai sinh cho trẻ theo nơi người cha cư trú hoặc nơi trẻ đang thực tế sinh sống
Vấn đề đặt ra trong tình huống nói trên là việc xác định và vận dụng quy định về thẩm quyền đăng ký khai sinh. Giả thiết đặt ra trong tình huống là bà Vần - người đi đăng ký khai sinh có nguyện vọng đăng ký khai sinh cho cháu ngoại tại nơi trẻ đang thực tế sinh sống, đồng thời cũng là nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của người cha, trong khi mẹ đẻ của cháu bé lại có hộ khẩu thường trú ở tỉnh khác. Để áp dụng chính xác và linh hoạt pháp luật trong việc giải quyết tình huống này, cán bộ tư pháp - hộ tịch cần nắm vững quy định về thẩm quyền đăng ký khai sinh, đặc biệt là thứ tự ưu tiên trong xác định thẩm quyền đăng ký khai sinh được quy định tại Điều 13 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP.
Điều 13 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP quy định về thẩm quyền đăng ký khai sinh với sự mở rộng cơ quan có thẩm quyền đăng ký khai sinh bao gồm: Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người mẹ, Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi trẻ đang sinh sống trên thực tế. Tuy nhiên, việc xác định thẩm quyền đăng ký khai sinh phải theo thứ tự ưu tiên và điều kiện áp dụng như sau:
- Trước hết, thẩm quyền đăng ký khai sinh được xác định là Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi người mẹ có hộ khẩu thường trú; nếu người mẹ không có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì đăng ký tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người mẹ đăng ký tạm trú có thời hạn;
- Trong trường hợp không xác định được nơi thường trú hoặc tạm trú của người mẹ thì mới được đăng ký khai sinh cho trẻ tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi người cha có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú có thời hạn;
- Trường hợp không xác định được nơi thường trú hoặc tạm trú của cả người cha và người mẹ thì mới được đăng ký khai sinh cho trẻ tại nơi trẻ đang sinh sống thực tế.
Mục đích của việc xác định thứ tự ưu tiên và điều kiện áp dụng thẩm quyền đăng ký khai sinh như trên, một mặt, nhằm bảo đảm cho việc đăng ký khai sinh tập trung vào Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người mẹ cư trú, phục vụ cho công tác thống kê số liệu hộ tịch, mặt khác, bảo đảm cho mọi trẻ em sinh ra đều có thể được đăng ký khai sinh, không bị vướng mắc về việc xác định cơ quan có thẩm quyền đăng ký do tình trạng cư trú của người mẹ như thời gian trước đây. Trong trường hợp này, nơi cư trú của người mẹ được xác định rõ ràng nên cơ quan có thẩm quyền đăng ký khai sinh cho cháu bé chỉ có thể là Uỷ ban nhân dân thị trấn X tại tỉnh Bắc Giang, là nơi mẹ cháu bé đăng ký hộ khẩu thường trú. Không áp dụng việc đăng ký khai sinh tại “nơi cư trú của người cha” hoặc “nơi trẻ đang thực tế sinh sống” để đăng ký khai sinh cho cháu bé.
Do đó, cán bộ tư pháp - hộ tịch cần hướng dẫn và giải thích cho bà Vần biết: việc đăng ký khai sinh cho cháu bé chỉ có thể thực hiện ở cơ quan có thẩm quyền là Uỷ ban nhân dân thị trấn X, nơi mẹ cháu có hộ khẩu thường trú là đúng pháp luật. Hơn nữa, vì cha mẹ cháu bé sinh sống thường xuyên, lâu dài tại Bắc Giang, nên việc đăng ký khai sinh cho cháu bé tại nơi cha mẹ cháu cư trú sẽ thuận lợi cho việc xin cấp bản sao sau này.
Thư Viện Pháp Luật