Huỷ Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn
Nguyện vọng của anh Sình và chị Nương là xin được huỷ việc kết hôn trước đó, đồng thời anh Sình có nguyện vọng muốn được làm thủ tục đăng ký kết hôn với chị Cảnh, là người đang chung sống thực tế với anh và đăng ký khai sinh cho con chung của anh với chị Cảnh, với sự xác định anh Sình là cha và chị Cảnh là mẹ trong phần khai về cha mẹ trong Giấy khai sinh của cháu bé. Tuy nhiên, trong tình huống này, vướng mắc để giải quyết nguyện vọng của các bên liên quan chính là tình trạng hôn nhân của anh Sình và chị Nương.
Về mặt pháp lý, vào thời điểm anh Sình đang chung sống như vợ chồng với chị Cảnh, thì giữa anh Sình và chị Nương đang tồn tại một quan hệ hôn nhân hợp pháp. Đây là quan hệ hôn nhân đã được đăng ký kết hôn tại Uỷ ban nhân dân xã. Anh Sình và chị Nương chỉ có quyền kết hôn với người khác sau khi quan hệ hôn nhân giữa hai người được chấm dứt bằng quyết định có hiệu lực pháp lý của Toà án có thẩm quyền. Cần lưu ý: Toà án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền quyết định việc chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa anh Sình và chị Nương. Do đó, việc Uỷ ban nhân dân xã dự kiến giải quyết nguyện vọng của anh Sình và chị Nương bằng cách đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp huyện ban hành Quyết định thu hồi và huỷ Giấy chứng nhận kết hôn giữa anh Sình với chị Nương là cách giải quyết không đúng pháp luật, vi phạm quy định tại điểm k khoản 1 Điều 78 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP.
Để giải quyết nguyện vọng của anh Sình và chị Nương, Uỷ ban nhân dân xã cần giải thích, hướng dẫn để đương sự lựa chọn cách giải quyết hợp lý, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình như sau:
Về việc chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa anh Sình và chị Nương
Mặc dù việc đăng ký kết hôn giữa anh Sình và chị Nương đúng thủ tục, trình tự pháp luật quy định nhưng do chị Nương bị gia đình ép kết hôn nên việc xác lập quan hệ hôn nhân này vi phạm điều kiện về ý chí tự nguyện kết hôn quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Do đó, đây là việc kết hôn trái pháp luật. Theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình, muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa mình và anh Sình, chị Nương có quyền chủ động yêu cầu Toà án nhân dân cấp huyện huỷ việc kết hôn trái pháp luật của mình.Theo quy định tại Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình, sau khi xem xét và quyết định việc huỷ kết hôn trái pháp luật, Toà án có trách nhiệm gửi bản sao Quyết định huỷ việc kết hôn trái pháp luật cho Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký kết hôn cho anh Sình và chị Nương. Căn cứ vào Quyết định này, Uỷ ban nhân dân xã xoá đăng ký kết hôn trong Sổ đăng ký kết hôn. Kể từ sau thời điểm này, anh Sình và chị Nương mới có quyền kết hôn với người khác.
Về việc đăng ký khai sinh cho con chung của anh Sình và chị Cảnh
Nguyện vọng của anh Sình và chị Cảnh là muốn được đăng ký kết hôn với nhau, để sau đó đăng ký khai sinh cho con chung của hai người là con trong giá thú. Tuy nhiên, việc đăng ký kết hôn giữa anh Sình và chị Cảnh chỉ có thể thực hiện sau khi Toà án có thẩm quyền ban hành Quyết định huỷ việc kết hôn trái pháp luật giữa anh Sình và chị Nương. Quá trình để Toà án xem xét, thụ lý giải quyết yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật cần có thời gian, nếu đợi đến khi anh Sình và chị Cảnh có thể tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn thì việc khai sinh cho con chung của anh, chị có thể phải thực hiện theo diện đăng ký quá hạn. Do đó, để giúp anh Sình và chị Cảnh có thể thực hiện ngay nguyện vọng khai sinh cho con với đầy đủ tên cha, mẹ trong Giấy khai sinh, cán bộ tư pháp - hộ tịch cần hướng dẫn anh Sình thực hiện cùng lúc thủ tục đăng ký nhận con và đăng ký khai sinh theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP.
Thư Viện Pháp Luật