Đăng ký con nuôi từ năm 1997
Do câu hỏi của anh chị không nêu rõ, nhưng theo các tình tiết đó thì chúng tôi có thể hiểu rằng UBND địa phương nơi anh chị cư trú đã thực hiện đồng thời việc đăng ký nuôi con nuôi và đăng ký khai sinh cho cháu bé bị bỏ rơi theo quy định của pháp luật về Hộ tịch.
Vào thời điểm năm 1997, việc đăng ký nuôi con nuôi được thực hiện theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 1986 và Nghị định số 04/CP ngày 16 tháng 1 năm 1961 của Hội đồng Chính phủ về việc ban hành điều lệ đăng ký hộ tịch
Điều 37 Luật hôn nhân gia đình năm 1986 quy định:”Việc nhận nuôi con nuôi do Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thường trú của người nuôi hoặc con nuôi công nhận và ghi vào sổ hộ tịch.”
Điều 12 của Điều lệ hộ tịch nói trên quy định “Sau khi công nhận việc nuôi con nuôi thì Uỷ ban hành chính cơ sở ghi chú việc ấy vào sổ đã đăng ký việc sinh của ngưòi con nuôi, và vào giấy khai sinh đã cấp.
Nếu trước chưa đăng ký việc sinh thì phải xin đăng ký quá hạn, rồi Uỷ ban hành chính mới ghi chú việc nuôi con nuôi vào sổ và giấy khai sinh cấp cho đương sự”.
Như vậy, trường hợp của anh, chị, Ủy ban nhân dân địa phương nơi anh, chị cư trú có thể đã công nhận việc nuôi con nuôi của anh/chị sau đó đã làm thủ tục đăng ký khai sinh cho cháu bé, trong đó ghi tên anh, chị là cha, mẹ của cháu bé và ghi chú việc anh, chị là cha, mẹ nuôi của cháu bé trong sổ đăng ký hộ tịch của địa phương.
Do vậy trường hợp anh, chị muốn có Giấy chứng nhận nuôi con nuôi anh, chị có thể đến UBND xã/phường nơi đã làm thủ tục đăng ký khai sinh cho cháu bé (đồng thời là nơi đã làm thủ tục công nhận việc nuôi con nuôi) trước đây xin sao lục Giấy chứng nhận việc nuôi con nuôi từ sổ gốc.
Trường hợp sổ gốc đã mất, hoặc thất lạc, anh, chị có thể làm thủ tục xin đăng ký lại việc nuôi con nuôi theo quy định của Điều 29 Nghị định 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 quy định chi tiết một số điều của Luật Nuôi con nuôi.
Thư Viện Pháp Luật